Làm gì để Hà Nội là thành phố có rừng?

14-06-2023 12:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Rừng trong phố là ý tưởng rất tốt, nhưng theo chuyên gia ở thời điểm hiện tại đã quá muộn để làm rừng trong khu nội đô của Hà Nội. Chỉ có thể quy hoạch ở các khu phát triển mới.

Hà Nội cắt tỉa loạt cây xanh trước mùa mưa bãoHà Nội cắt tỉa loạt cây xanh trước mùa mưa bão

SKĐS - Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, loạt cây xanh ở Hà Nội sẽ được cắt tỉa, loại bỏ cành khô, cành chết.

Làm rừng trong thành phố phải có quỹ đất

Chiều 13/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị TP Hà Nội khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Hội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải lựa chọn những tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín, các chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển của thủ đô trong tương lai ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch của thủ đô, cũng như lấy ý kiến nhân dân về các nội dung trong quy hoạch…

Làm gì để Hà Nội là thành phố có rừng? - Ảnh 2.

Hà Nội cần dành nhiều quỹ đất hơn để có rừng trong phố.

Việc điều chỉnh quy hoạch phải quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới (theo trục sông Hồng, tuyến đường vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị…). Hình thành mạng lưới giao thông đa loại hình (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.

Phó thủ tướng cho rằng cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch - kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình "nhà xây nén", "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện là Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết, đây là đề xuất chắc chắn được rất nhiều người ủng hộ. Môi trường sống xanh, an lành là ao ước của hầu hết cư dân đô thị trước bối cảnh tỉ lệ người trên diện tích đất ở đang quá thấp, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, không gian sống quá chật hẹp. Rừng trong phố là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thành công.

GS Lung cho rằng, để có rừng, đương nhiên phải có đất. Nhưng hiện nay quỹ đất ở nội thành Thủ đô Hà Nội đang quá ít, tỉ lệ người trên diện tích đất quá cao, đang tạo ra áp lực rất lớn lên đô thị như tắc đường, ô nhiễm không khí, nắng nóng khốc liệt hay cứ mưa là ngập. "Để làm rừng trong phố ở nội đô Hà Nội hiện nay là gần như không thể. Do bấy lâu nay chúng ta quên mất quy hoạch phát triển rừng cây cùng với xây chung cư. Dù có các quy định song chung cư cao tầng ở nội đô vẫn cứ mọc lên, áp lực dân số khu vực này ngày càng đè nặng. Do vậy, chỉ có thể quy hoạch các vùng trồng cây như đường cây, công viên cây xanh… ở các khu mới phát triển", GS Lung nêu ý kiến.

Quy hoạch phải có tầm nhìn hàng trăm năm

Để làm rừng trong phố, theo GS Lung thì diện tích xây dựng chỉ được phép chiếm 20-30% diện tích đất chung. Các khu dân cư có thể cách nhau bằng những khoảng không cây xanh mát giống thủ đô ở nhiều nước trên thế giới. Những con đường cây dài tít tắp, xanh mát… sẽ tạo ra cảnh quan môi trường cực kỳ đẹp. Nhưng bài toán ở đây là dành ra quỹ đất rất lớn trong quy hoạch chung.

Để quy hoạch được như vậy phải có tầm nhìn dài hạn, thậm chí là tầm nhìn hàng trăm năm. Để triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Hà Nội cần thống kê rà soát diện tích đất và diện tích cây xanh tương ứng tại các khu vực khác nhau. Với những nơi còn nhiều quỹ đất, cần đưa ưu tiên trồng cây xanh vào đó chứ không phải ưu tiên xây nhà chung cư hay khu công nghiệp.

"Khi đã quy hoạch rõ ràng thì người thực thi phải làm rất nghiêm, không được phép để xảy ra sai phạm thì mới có được diện mạo đô thị đẹp trong tương lai. Đa số các đô thị trên thế giới đều có khu cũ và khu mới. Khu cũ sẽ được bảo tồn nguyên trạng, còn khu mới sẽ được quy hoạch phát triển bài bản, có tầm nhìn dài hạn. Hà Nội cũng có thể áp dụng cách làm này. Việc trồng cây xanh không nhất thiết phải đầu tư bằng ngân sách mà có thể thực hiện xen kẽ xã hội hóa, huy động sự chung tay của người dân. Khi đó chắc chắn diện mạo đô thị sẽ rất đẹp", GS Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, trước đây người Pháp quy hoạch việc trồng cây ở Hà Nội rất bài bản. Các cây được lựa chọn chủ yếu là cây bản địa, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, sinh trưởng tốt. Mỗi tuyến phố được nghiên cứu trồng một loại cây hoặc hoa đặc trưng để mùa nào cũng có hoa xen kẽ nhau. Do vậy, khi Hà Nội nghiên cứu làm rừng trong phố, nên áp dụng những thành công trong quy hoạch mà người Pháp thực hiện để có quy hoạch cây xanh thực sự bài bản. Việc lựa chọn trồng cây gì cũng cần có tầm nhìn dài hạn.

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh đô thị, ĐH Lâm nghiệp cho rằng cây xanh ngoài giá trị sinh học còn mang những giá trị về văn hóa, đặc sắc cảnh quan của mỗi đô thị. Việc trồng cây gì cũng cần được quan tâm nghiên cứu bài bản chứ không nên để như hiện nay. Không nên đưa những cây như chò nâu, phong, anh đào, mỡ... vào danh mục khuyến khích trồng. Cũng đừng sính ngoại, thấy cây ở nước ngoài đẹp thì đem về trồng trong nước mà không trồng thí nghiệm như chà là Trung Đông, phong linh, kèn hồng. Trong khi đó các chủng loại cây của Việt Nam rất đa dạng, có nhiều loài còn đẹp hơn nhưng lại chưa được quan tâm nghiên cứu.

Chuyên gia nêu giải pháp phòng tránh tai nạn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bãoChuyên gia nêu giải pháp phòng tránh tai nạn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão

SKĐS - Cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Theo chuyên gia, phải rà soát kiểm tra, loại bỏ cây yếu, hỏng, rễ mỏng… trước mùa mưa bão.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 Biện Pháp Khắc Phục Da Khô Tại Nhà | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn