Chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) là một khiếm khuyết của sự phát triển trí não.Trẻ có hoạt động trí tuệ dưới mức trung bình, hạn chế về kỹ năng thích ứng và khuyết tật xuất hiện trước 18 tuổi.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ do đâu?
CPTTT ở trẻ thường do các yếu tố tác động trước khi mang thai, trong và sau khi sinh. Yếu tố nguy cơ trước sinh có thể do mẹ đang trong thời kỳ mang thai tiếp xúc hoá chất, thuốc trừ sâu, mẹ bị chấn thương, nhiễm virus (nhất là trong 3 tháng đầu), mẹ bị bệnh tuyến giáp trạng, tăng cân ít khi mang thai, bị nhiễm độc chì nặng...trẻ đẻ non dưới 37 tuần, cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500gr. Những trường hợp đẻ khó, ngạt khi sinh, can thiệp sản khoa (foocxep, giác hút...), vàng da nhân não... Chảy máu não - màng não, nhiễm khuẩn thần kinh (viêm não, viêm màng não), suy hô hấp nặng, chấn thương sọ não, co giật do sốt cao, động kinh...
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển
Có thể phát hiện sớm dấu hiệu ở trẻ qua các triệu chứng như khi trẻ đến tuổi vẫn chậm về vận động: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi… hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt khó khăn… chậm chạp, ít linh hoạt, phân biệt màu sắc sự vật kém…
Cha mẹ cần quan tâm chăm sóc để trẻ phát triển hoàn thiện hơn.
CPTTT ở trẻ có nhiều mức độ khác nhau. Trường hợp trẻ chậm phát triển ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn có thể theo học ở các lớp tiểu học, song việc theo học sẽ hơi khó khăn với trẻ và kết quả học tập cũng kém hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.
Trẻ chậm phát triển mức độ vừa sẽ hầu như không theo học được, không tính toán được.
Với những trẻ có mức độ nặng hơn, trí tuệ rất thấp, ngôn ngữ không có hoặc rất nghèo nàn, trẻ sẽ không thể giao tiếp. Những trẻ này luôn cần có người ở bên để chăm sóc theo dõi sát.
Vai trò phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ
Trẻ chậm phát triển, dù ở mức độ nào đi chăng nữa, vai trò của bố mẹ luôn được đặt lên hàng đầu trong việc chữa trị cho con. Chấp nhận thực tế và hỗ trợ, trợ giúp con trong hành trình đầy gian nan. Hãy tin tưởng rằng trẻ sẽ vượt qua được và dù chậm phát triển nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt được những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Cha mẹ luôn đồng hành cùng con trong mọi hoạt động thường ngày – vui chơi, sinh hoạt ăn uống, vệ sinh thân thể…
Hướng dẫn và chơi với trẻ từ những hoạt động đơn giản nhất. Sau khi trẻ đã thực hiện được, cha mẹ mới nên bắt đầu tiếp tục với những hoạt động phức tạp hơn.
Để tránh việc trẻ khó tiếp thu ngay một lúc, cha mẹ có thể chia nhỏ ra thành từng bước cho trẻ theo kịp dễ tiếp thu.
Trong mọi hoạt động bố mẹ nên lặp đi lặp lại nhiều lần cho trẻ nhớ bởi trẻ chậm phát triển thường tiếp thu không nhanh nhẹn như trẻ bình thường. Khi trẻ làm tốt một việc gì, bố mẹ đừng bao giờ quên khen ngợi và khuyến khích trẻ – kể cả đó là việc vô cùng nhỏ.
Gần gũi trò chuyện và chơi cùng trẻ. Có thể trẻ sẽ không hiểu điều bố mẹ nói nhưng sẽ cảm nhận được tình thương từ bố mẹ.
Bố mẹ nên đọc truyện cho trẻ, kể chuyện hàng ngày cho trẻ nghe, bày ra các trò chơi và cùng chơi với trẻ, khuyến khích vận động thể chất và cả trí tuệ…
BS. Lan Anh