Hà Nội

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hà Nội?

15-07-2016 09:55 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời gian qua, việc bảo tồn, gìn giữ “hồn cốt” khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, chuyên gia.

Thời gian qua, việc bảo tồn, gìn giữ “hồn cốt” khu phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, chuyên gia. Giá trị của phố cổ Hà Nội ở tính liên tục, sự đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội và không gian đô thị. Vì thế, gìn giữ phố cổ Hà Nội cần đúng cách, khoa học để hài hòa với bối cảnh mới mà vẫn giữ được giá trị vốn có.

Nét chấm phá phố cổ Hà Nội

Từ lâu, phố cổ Hà Nội được xem là một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Bởi ngay trung tâm Thủ đô, khu phố cổ nép mình với nét rêu phong cổ kính và chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đánh giá, khu phố cổ là một di sản kiến trúc với nhiều công trình cổ đặc trưng như những ngôi nhà cổ, những ngôi đình, đền, chùa và cửa ô. Kiến trúc phố cổ Hà Nội chủ yếu mang 3 phong cách: Kiến trúc xây dựng truyền thống kiểu Việt Nam, kiến trúc theo kiểu tân cổ điển thời Pháp thuộc và kiến trúc phong cách nghệ thuật trang trí hiện đại art-deco.

Phố cổ Hà Nội hiện nay còn rất ít không gian kiến trúc cổ.

Khu phố cổ Hà Nội vẫn gắn liền với các phố nghề đặc trưng của mảnh đất Thăng Long. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố nhưng hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc... Sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội khiến một số phố không giữ nghề truyền thống nhưng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như đồ thờ (Hàng Quạt), bánh kẹo (Hàng Buồm), phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch... Ngày nay, phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, Tết Trung thu, Nguyên đán với các mặt hàng phong phú về đồ chơi truyền thống.

Ngược dòng thời gian, phố Hàng Bạc trước đây có lò đúc bạc nén cho triều đình, có cả phường đúc bạc, trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc. Phố Hàng Đào là nơi buôn tơ, bán vải vóc. Phố Hàng Lược nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá vốn là nơi có nhiều nhà buôn bán lược: lược gỗ, lược sừng và sau này là lược nhựa. Phố Hàng Đồng và phố Bát Sứ thời thuộc Pháp có tên chung là Rue des Tasses (phố Hàng Chén).

Đại diện Ban quản lý di tích phố cổ Hà Nội cho biết, khu phố cổ có 122 di tích lịch sử và văn hóa, trong đó có 97 di tích lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, 25 di tích cách mạng, kháng chiến. Nhưng đáng lo ngại, những ngôi nhà cổ đang “vơi dần”. Hiện nay, ở khu phố cổ, những ngôi nhà từ thế kỉ XVIII - XIX với mái tranh, chỉ một số nhà giàu mới lợp mái ngói không còn. Từ cuối thế kỉ XX, các nhà cổ dần biến mất. Đến nay, khu phố cổ chủ yếu là các ngôi nhà ống xây mới, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều, phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ.

Giữ hồn phố cổ bằng cách nào?

Để lưu giữ, bảo tồn “hồn cốt” phố cổ, thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có nhiều việc làm cụ thể là trùng tu, tôn tạo một số di tích lịch sử văn hóa xuống cấp như đình Đông Thành (Hàng Vải), quán chùa Huyền Thiên (Hàng Khoai), chùa Vĩnh Trù (Hàng Lược), hội quán Phúc Kiến (Lãn Ông), đình Tú Thị (Yên Thái)...

Tuy nhiên, việc bảo tồn, gìn giữ phố cổ vẫn còn nhiều tồn tại mà đại diện quận Hoàn Kiếm từng thừa nhận. Trong đó, việc tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Công tác quản lý các di sản văn hóa chưa có chiều sâu, chưa gắn kết với cộng đồng. Hơn nữa, hoạt động thương mại, du lịch dịch vụ đôi lúc chưa tương xứng với tiềm năng khu phố cổ đã có và điều này đặt ra nhiều thách thức với Hà Nội trong việc bảo tồn, gìn giữ phố cổ.

Với không gian kiến trúc, theo thống kê, trong số 300 ngôi nhà cổ ở Hà Nội thì chỉ có khoảng 10% ở trong tình trạng bảo quản tốt, số còn lại xuống cấp hoặc ít nhiều bị biến thể (cải tạo, cơi nới). Những ngôi nhà xuống cấp hầu hết các hạng mục như kết cấu bộ khung nhà, phần tường, mái... hư hỏng. Bởi vậy, trong thời gian qua, để giúp người dân phố cổ trong việc cải tạo, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, xây dựng nhà trong phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có tài liệu hướng dẫn “Cải tạo, xây dựng mới trong Phố cổ Hà Nội”. Theo đó, người dân khi cải tạo hay xây mới, lập thiết kế mặt theo kiểu nhà truyền thống, kiểu nghệ thuật; vật liệu xây dựng là vôi, cát, xi-măng phải phù hợp với khí hậu nóng ẩm; màu sơn có gam nhẹ như vàng, trắng; không dùng màu sẫm, nóng; sử dụng ngói vảy cá, ngói Tây. Nhà cổ trát bằng vữa vôi và quét vôi giúp cho thoát được hết hơi nước trong tường và từ nền đất nên không gây ẩm mốc. Sử dụng màu vàng hoàng thổ để thể hiện triết lý suy tư nhẹ nhàng với mong muốn sống hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, tạo màu sắc hài hoà cho phố cổ.

Đối với biển hiệu, quảng cáo nhếch nhác và lộn xộn trong khu phố cổ, các chuyên gia cho rằng các loại biển quảng cáo của các hộ kinh doanh tại đây cần làm đơn giản, không che khuất mặt đứng của ban công, cửa sổ, mái đua... Biển quảng cáo ở tầng 1 không được che khuất tầng 2, biển trên gác chỉ gắn lên tường chứ không để lên ban công.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, với vị trí hết sức đặc biệt của mình, phố cổ phải được quy hoạch như bảo tồn một “đô thị sống”. Bởi thế, nhiều ý kiến góp ý với quận Hoàn Kiếm nên triển khai xếp hạng, thống kê, đồng thời có phương án thúc đẩy hoạt động những di sản phi vật thể như phố đi bộ, lễ hội Trăng rằm... để thu hút khách du lịch.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn