Có thể nói với sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành BHXH Việt Nam, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng mạnh. Tuy vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Việt Nam còn thấp, nhiều người đã rút BHXH một lần...
PGS.TS Giang Thanh Long- Giảng viên cao cấp (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã chia sẻ về những vấn đề này.
PV: Những năm gần đây, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng rất mạnh, tuy nhiên, so với số người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức, thì con số này vẫn còn thấp. Theo ông, những lý do nào khiến NLĐ phi chính thức khó tiếp cận BHXH tự nguyện?
PGS.TS Giang Thanh Long: Phải nói rằng, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành BHXH Việt Nam, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng mạnh. Đặc biệt, năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng cả nước đã phát triển được 1,4 triệu người tham gia.
Tuy vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Việt Nam còn thấp, hiện mới chiếm khoảng 3% tổng số người thuộc diện tham gia.
Nếu tính cả số người tham gia BHXH bắt buộc, thì tổng số người tham gia mới chiếm khoảng 33% lực lượng lao động. Do tỷ lệ người chưa tham gia BHXH còn cao, nên tương lai của họ sẽ lọt khỏi lưới an sinh xã hội, do không có nguồn thu nhập khi về già.
Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rất nhiều yếu tố khiến người tham gia BHXH tự nguyện khó tiếp cận (từ phía bản thân NLĐ cũng như chính sách).
Về mặt chính sách, hiện các chế độ liên quan đến BHXH tự nguyện chỉ có tử tuất và hưu trí (chế độ dài hạn). Trong khi đó những chế độ rất sát sườn với NLĐ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp lại không có. NLĐ thấy rằng, để nhận được chế độ hưu trí thì quá dài và cũng không tạo động lực giúp họ tham gia ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, chính sách cũng gắn liền với đặc trưng của NLĐ như phần lớn có thu nhập và công việc bấp bênh, nên phải cân nhắc giữa việc chi tiêu cho các nhu cầu trước mắt với việc đóng góp để hưởng trong vòng 20 năm nữa.
Đây là rào cản lớn, khiến họ phải cân nhắc khi tham gia BHXH.
PV: Trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 kéo dài dẫn đến xu hướng rút BHXH một lần gia tăng nhanh. Ông lý giải thế nào về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
PGS.TS Giang Thanh Long: Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà tại các quốc gia khác, nhất là các quốc gia có thu nhập trung bình đều có hiện tượng NLĐ rút BHXH một lần.
Thực tế cho thấy, những NLĐ rút BHXH một lần có thu nhập tương đối thấp, không phải nghèo và cũng không phải giàu. Họ rút để phục vụ nhu cầu chi tiêu trước mắt như sửa chữa nhà cửa, lo cho con cái học hành, thậm chí là KCB…
Đây là những thách thức rất lớn không chỉ cho Việt Nam, mà các nước như Thái Lan cũng xảy ra tình trạng này.
Trong trường hợp trước mắt (như cú sốc do COVID-19), nhiều người đã mất trắng sinh kế, trở thành người thất nghiệp trong thời gian dài và sự phục hồi kinh tế không như mong muốn nên họ tìm đến BHXH giống như cơ chế thay thế bù đắp thu nhập mất đi.
Việc rút BHXH một lần diễn ra ngay cả khi không có dịch. Có nhiều nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, quy đổi về giá trị hiện tại, nếu anh rút BHXH một lần thì giá trị nhận được hiện tại không thể bằng giá trị nhận được trong tương lai nếu tiếp tục đóng góp vào quỹ BHXH.
Nói về mặt kinh tế, rõ ràng rút BHXH một lần không có lợi, chưa kể sau khi rút, bản thân NLĐ có đủ năng lực sử dụng món tiền đó để đảm bảo có nguồn thu nhập đều trong tương lai hay không.
Mặt khác, khi rút BHXH thì tất cả những rủi ro như mất thu nhập sẽ phải chịu và sau này khi NLĐ cao tuổi lại phải sống bằng trợ cấp, nếu chính sách liên quan đến trợ cấp có sự điều chỉnh thì chưa chắc họ đã là đối tượng được hưởng.
Song, đây cũng là một trong những yếu tố để chúng ta suy nghĩ thêm, đó là làm sao khuyến khích NLĐ tiếp tục tham gia BHXH?...
PV: Theo ông, đâu là giải pháp khắc phục những tình trạng trên?
PGS.TS Giang Thanh Long: Nghiên cứu của nhiều quốc gia chỉ ra rằng, những người rút BHXH một lần thì khoản rút đó không đủ để đầu tư mà phần lớn dùng cho chi tiêu. Do đó, khi về già, những người này không có BHXH, BHYT dẫn đến việc phải đối mặt với sức khỏe yếu và không có thu nhập.
Vì vậy, với vai trò của người nghiên cứu, chúng tôi thấy cần có chính sách hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp, để giúp họ duy trì tham gia BHXH trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!