Trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc Việt, nhạc cụ dân tộc là yếu tố được các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm hàng đầu, đặc biệt là khi sự “lên ngôi” của các loại đàn điện tử dường như đang lấn át nhạc cụ dân tộc được làm từ tre, trúc, nứa...
Giàu bản sắc
Trong các loại nhạc cụ dân gian, nhạc cụ gõ ra đời sớm nhất, bởi lẽ, nó đã tạo ra các nhịp phách bằng những âm thanh, tiết tấu, từ buổi đầu sơ khai và chuyển hóa dần theo sự phát triển của xã hội trong thế giới âm nhạc hiện đại. Nhạc cụ tre nứa còn là một trong 5 hệ của nhạc cụ gõ dân gian (hệ đá, hệ đồng sắt, hệ tre nứa, hệ gỗ và hệ màng da).
Những “đặc sản” tinh thần và văn hóa càng giá trị càng có nguy cơ mai một trước sự xoay chuyển của xã hội.
Dựa vào nguồn âm của nhạc cụ mà người ta chia nhạc cụ tre nứa thành 3 loại: nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang. Nhạc cụ dây là những nhạc cụ mà khi được tác động, dây căng rung lên, tạo ra âm thanh. Nhạc cụ hơi là nhạc cụ khi được tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh. Và nhạc cụ tự thân vang là những nhạc cụ khi được tác động, toàn thân nhạc khí rung lên, tạo thành âm thanh...
Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử, nhạc cụ tre nứa vẫn ngân vang, nói lên những vui buồn, ước mơ, khát vọng của đồng bào dân tộc Việt Nam. Chúng là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc anh em, giữa Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới. Nhạc cụ tre nứa mang tính phổ biến bởi nó được tạo nên từ chất liệu thô sơ, vốn rất sẵn có ở mọi nơi, như trong vườn, làng mạc hay trong rừng. Đây cũng chính là nét đặc thù của loại hình nhạc cụ này. Chỉ tiếc, những "đặc sản" tinh thần và văn hóa càng giá trị càng có nguy cơ mai một trước sự xoay chuyển của xã hội.
Khi âm nhạc cổ truyền chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc phương Tây và đòi hỏi của xã hội ngày càng cao thì loại nhạc cụ tre nứa nói riêng và các loại nhạc cụ dân tộc nói chung đều phải được cải tiến để đáp ứng được nhu cầu diễn tả những tâm tư, tình cảm của con người. Nhưng nhạc cụ tre nứa cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác, do được sản sinh từ xa xưa nên chúng không tránh khỏi những nhược điểm, đặc biệt là về mặt âm lượng. Trừ các loại nhạc khí thân vang thì hầu hết chúng đều phát ra âm thanh nhỏ nhẹ, độ ngân có giới hạn.
Giữ gìn bằng cách nào?
Người lớn tuổi ở làng Jút (xã IaDêr, huyện Iagrai, Gia Lai) có lẽ vẫn còn nhớ cậu bé dân tộc Ê-đê Rơ Châm Tih từ thuở ấu thơ đã đam mê những thanh âm phát ra từ ống tre, ống nứa... Hơn chục năm trước, trong một lần Rơ Châm Tih vào TP.HCM tham gia Hội diễn “Gặp gỡ đất phương Nam”. Sau khi biểu diễn xong, có người hỏi mua lại cây đàn T’rưng của anh với giá 300.000 đồng về làm kỷ niệm, từ đó anh đã nảy ra ý tưởng làm những sản phẩm nhạc cụ từ vật liệu sẵn có của địa phương để phục vụ khách có nhu cầu mua làm kỷ niệm. Sau chuyến hội diễn, anh trở về làng rủ bạn thành lập Hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên.
Theo Rơ Châm Tih, để làm được một cây đàn T’rưng không đơn giản. Tre được mang về phải ngâm bùn dưới ao đến 3 năm mới mang lên để làm đàn. Giờ, việc làm đó được đơn giản hơn. Tre chặt về phải phơi nắng 3 tháng rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp. Một cây đàn T’rưng làm chỉ trong một ngày là xong nhưng vật liệu để làm nó phải chuẩn bị trước hơn 4 tháng.
Nếu như lý do khiến Rơ Châm Tih muốn khôi phục nghề làm nhạc cụ thì nghệ sĩ Lê Thái Sơn - người đã có công đưa nhạc cụ tre, trúc, nứa đến với thế giới lại có những khát khao to lớn hơn, đó là được truyền bá văn hóa sáo trúc đến lớp trẻ.
Nghe tiếng sáo, tiếng khèn trầm bổng, réo rắt, Lê Thái Sơn ước mơ một ngày nào đó mình cũng sẽ làm được những cây sáo từ tre, trúc. 5 năm sống cùng đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La ông trở nên "mê mẩn" tiếng sáo Mông. Theo ông, trong tất cả chủng loại sáo, sáo Mông là hay nhất, độc đáo và ấn tượng nhất. Khi tiếng sáo Mông cất lên, người nghe hình dung được cảnh hùng vĩ của núi rừng, tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá reo, tiếng hươu nai gọi bạn... Năm 1990, ông sáng lập Câu lạc bộ sáo trúc Hà Tây, nhiều học trò của nghệ sĩ Lê Thái Sơn đã trưởng thành từ cái nôi này.
Rõ ràng, chính những nỗ lực và đam mê của Lê Thái Sơn hay Rơn Châm Tih và nhiều nghệ nhân khác đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho nhạc cụ dân tộc nói riêng, bản sắc văn hóa Việt nói chung.
Nam Phương