Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao khi bị biến chứng cúm.
Cúm mùa có xu hướng lan rộng thành dịch và có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi.
Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.
Nguyên nhân của bệnh cúm là do virus cúm (Influenza virus) nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 type A, B và C. Theo nghiên cứu dịch tễ, các chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục theo chu kỳ hàng năm, do đó tỷ lệ trẻ em và người lớn lây nhiễm với các chủng cúm mới có thể lên tới 90%.
Các dấu hiệu, triệu chứng cúm thường gặp
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cúm là bệnh hô hấp lây qua giọt bắn và dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Sốt vừa đến cao (trên 38độC);
- Cảm giác ớn lạnh;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Đau nhức cơ bắp;
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).
Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Cần làm gì khi mắc cúm?
Cúm thông thường là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 5 – 7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ như: Giảm triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng…
Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có cách điều trị cúm mùa triệt để, chỉ có các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn.
- Người bệnh cúm cần nghỉ ngơi
Thông thường bệnh cúm có thể tự khỏi sau thời gian ngắn khi người bệnh dành thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước để cơ thể dần chống lại sự nhiễm trùng. Không nên hút thuốc lá hoặc uống rượu trong thời gian này; cũng nên hạn chế trà, cà phê, các đồ uống có chất kích thích,… để tránh làm cơ thể thêm mệt mỏi.
- Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng
Khi mắc cúm thường chán ăn do vậy cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Có thể ăn phở, cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Nếu là trẻ cần tăng cường uống sữa, trẻ còn bú mẹ thì tăng cường bú mẹ. Cần ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung đủ vitamin giúp tăng sức đề kháng. Các bữa ăn cần cung cấp đủ thịt, cá để đảm bảo đủ protein cho cơ thể khỏe mạnh.
Lưu ý, người bệnh cúm nên tăng cường, bổ sung các loại rau và trái cây có màu xanh đậm, đỏ và vàng để nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm:
Không nên sinh hoạt, làm việc, học tập chung hoặc tiếp xúc gần với người khác mà bạn nghi ngờ họ đang bị nhiễm cúm mà không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang. Nếu nhận thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh cũng cần ý thức tự cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người xung quanh. Tốt nhất nên ở riêng trong phòng/ tại nhà ít nhất 24 tiếng kể từ thời điểm hết sốt.
- Cần giữ vệ sinh thật tốt
Cần làm sạch bề mặt vật dụng, thường xuyên lau sạch, khử khuẩn bề mặt các vật dụng trong nhà, văn phòng, nơi công cộng có khả năng cầm nắm nhiều như tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, mặt bàn,… cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên hạn chế đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà phòng trong 30s hoặc sử dụng nước rửa tay khô.
Ngoài ra, cần tập thể dục đều đặn: Người có thói quen vận động, thể dục thể thao hằng ngày thường có triệu chứng ít nguy hiểm và thời gian hồi phục nhanh hơn nếu bị nhiễm cúm.
Bên cạnh việc đó cần vệ sinh mũi thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát, theo dõi tình trạng thân nhiệt để hạ sốt nếu cần. Người bệnh cúm có thể sử dụng các loại thuốc trị cảm, thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt không kê đơn để giảm bớt một số triệu chứng cúm khó chịu như ho, sổ mũi, nhức đầu,…
Khi có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói …cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Để phòng bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao thể trạng; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch cúm xảy ra.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm khi không cần thiết; phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các đối tượng trên.
Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine cúm mùa hàng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.