Làm gì để giải bài toán “vắng” bệnh nhân của y tế cơ sở?

10-09-2018 06:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 TYT điểm các tỉnh phía Bắc và ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở các tỉnh phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn, trong 5 năm nữa mô hình TYT điểm sẽ được nhân rộng trên cả nước, giúp các TYT làm tròn vai “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân...

Y tế cơ sở: vừa thiếu nhân lực, vừa nghèo nàn trang thiết bị, danh mục thuốc BHYT

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mạng lưới TYT xã Việt Nam hiện nay có khoảng 11.000 cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của các TYT xã phần lớn vẫn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ đề ra, chưa làm người dân tin tưởng vào công tác khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.  Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là nhiều TYT có cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu và yếu về nhân lực, chi trả bảo hiểm y tế không thỏa đáng. “Thuốc ở TYT lèo tèo, mỗi đơn thuốc tính ra chưa đến 50.000 đồng. Nếu như đến các TYT xã của Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ rồi, nhìn vào TYT của mình thì không ai muốn vào” - Bộ trưởng thẳng thắn nói.

Khám cho trẻ tại trạm y tế. Ảnh: TM

Khám cho trẻ tại trạm y tế. Ảnh: TM

Cũng chính vì thế theo Bộ trưởng, hiện có rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên BV tuyến TW điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. “Tôi vừa đi khảo sát tại BV Chợ Rẫy, mỗi ngày khám đến 5.000 bệnh nhân, quá tải trầm trọng như vậy khó mà đạt được tiêu chuẩn quốc tế. BV tuyến TW chỉ nên tập trung y tế kỹ thuật cao, còn các bệnh nhẹ khác thì nên điều trị ở tuyến dưới... Còn tại TYT xã, có ngày chỉ có hai bệnh nhân đến khám” - Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng, đó là những nghịch lý tương phản rất lớn giữa các tuyến khám chữa bệnh mà ngành y tế đang giải quyết. Bộ trưởng cũng chỉ rõ hạn chế về nhân lực tại các TYT xã hiện nay như chỉ có 3 địa phương là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ tại các TYT, hiện còn 8/26 TYT chưa có bác sĩ làm việc tại TYT; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu. Hiện nay, các TYT mới thực hiện được 76 dịch vụ theo danh mục kỹ thuật; 241 loại thuốc...

TYT sẽ có bác sĩ tuyến TW về KCB

“Chính vì chất lượng nguồn nhân lực tại TYT vừa thiếu và yếu như vậy đã khiến người dân chưa tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại các TYT xã nên thường xuyên vượt tuyến gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, trong khi tuyến dưới lại “heo hắt” bệnh nhân...  Đây là bài toán đang được ngành y tế “đau đầu” tìm lời giải đáp thích hợp để khắc phục tình trạng TYT xã yếu kém, vắng bệnh nhân như hiện nay”-  Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh hai việc cần làm ngay với TYT xã là lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư, Bộ trưởng cho biết, để triển khai đổi mới hoạt động của TYT xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Việc triển khai mô hình thí điểm xây dựng  26 TYT xã điểm có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý TYT xã.

Bộ trưởng cho biết, với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến TW, BV tuyến cuối của TP.Hà Nội, TP.HCM về hỗ trợ các TYT xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các TYT xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...

“Trong năm 2018, chúng ta phải hoàn thành mô hình 26 TYT xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các TYT xã còn lại; không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số TYT xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm, từ năm 2019- 2023” - Bộ trưởng chỉ rõ.


Thái Bình
Ý kiến của bạn