Hà Nội

Làm gì để duy trì trí nhớ ?

19-10-2013 07:23 | Bệnh người cao tuổi
google news

Tình trạng suy giảm trí nhớ thường xảy ra ở người cao tuổi. Nguyên nhân có thể do sự lão hóa của các tế bào thần kinh, do bệnh lý và các yếu tố khác như: môi trường sống, căng thẳng, lo âu, rối loạn giấc ngủ,... Trong đó nhiều nguyên nhân có thể phòng ngừa được.

Tình trạng suy giảm trí nhớ thường xảy ra ở người cao tuổi. Nguyên nhân có thể do sự lão hóa của các tế bào thần kinh, do bệnh lý và các yếu tố khác như: môi trường sống, căng thẳng, lo âu, rối loạn giấc ngủ,... Trong đó nhiều nguyên nhân có thể phòng ngừa được.

Đối với suy giảm trí nhớ (SGTN) do tuổi: Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi, chủ yếu suy giảm về trí nhớ công việc, bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài như: Quên ngay một việc mình định làm, tìm không thấy đồ vật mình vừa đặt xuống, quên tên người mới gặp,... Những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng và người bệnh nhân vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.

Để phòng ngừa và điều trị SGTN do tuổi cần áp dụng tích cực các biện pháp như: Thường xuyên hoạt động trí não, sống có nề nếp, trật tự, làm việc có phương pháp khoa học, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, liệt kê danh sách các công việc cần phải làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày, làm theo thời gian biểu công việc đã lập, đề ra những mục quan trọng cần chú ý thực hiện... Ví dụ: Luôn đặt chìa khóa ở một chỗ nhất định; ghi chép, lưu giữ những tài liệu, thông tin, sự kiện,...

Làm gì để duy trì trí nhớ ? 1
 Tập thể dục thường xuyên là một cách tốt để duy trì trí nhớ. Ảnh minh họa

Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.

Đối với các nguyên nhân như: Ảnh hưởng của môi trường sống, stress, rối loạn giấc ngủ,... dẫn đến kém tập trung, đãng trí, trí nhớ suy giảm. Nhiều người vừa ra khỏi nhà đã không thể nhớ nổi mình đã đóng cửa sổ chưa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa, hoặc đang định làm một việc gì đó có ai hỏi xong đã quên mất mình đang muốn làm gì;...

Để phòng ngừa, cần phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt và làm việc như: Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; Nếu thấy căng thẳng kéo dài, hãy đơn giản hóa cuộc sống, sắp xếp lại công việc, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đúng mức cho mỗi ngày và thậm chí phải cắt bỏ bớt công việc; Bỏ những thói quen có hại như: hút thuốc lá, uống nhiều các chất kích thích như: rượu bia, chè đặc, cà phê,... Không lạm dụng thuốc ngủ. Tập luyện khả năng ghi nhớ bằng cách tăng cường quan sát, ghi nhận, quan sát các đồ vật xung quanh bằng mắt, dùng trí tưởng tượng để liên hệ, so sánh, ghi chép những việc cần làm

Đối với SGTN do bệnh lý: SGTN do bệnh lý thường xảy ra ở những trường hợp bị chấn thương đầu, sau tai biến mạch máu não, trầm cảm, suy nhược thần kinh... cần phải khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong nhiều trường hợp nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoặc ít nhất cũng được điều trị can thiệp có thể làm quá trình tiến triển của bệnh chậm lại, giúp người bệnh khôi phục hoặc cải thiện tình trạng SGTN.

Bác sĩ Vũ Minh


Ý kiến của bạn