Hà Nội

Làm gì để đẩy lùi sai sót chuyên môn và đảm bảo an toàn người bệnh?

12-11-2019 19:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - An toàn người bệnh là sự quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, đặc biệt là của người dân và toàn xã hội. Trong 7 năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới về chất lượng bệnh viện, đổi mới về cách nghĩ, cách làm, cách kiểm tra... để hướng đến an toàn người bệnh

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo quốc tế thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh. Đây là một trong rất nhiều hội thảo về an toàn người bệnh được Cục quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức trong năm 2019 nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh, các nhân viên y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Đoàn chủ tọa hội thảo quốc tế thực hiện giải pháp toàn cầu về an toàn người bệnh

Theo cảnh báo được Tổ chức Y tế thế giới trong tài liệu tại hội thảo cho thấy, sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Cứ 10 người bệnh, có 1 người bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được.

Các nguy cơ dẫn đến mất an toàn tại bệnh viện bao gồm nhiễm khuẩn bệnh viện (ảnh hưởng tới 10% người bệnh nhập viện), chẩn đoán chậm và không chính xác, phơi nhiễm với tia phóng xạ...  Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật/năm

Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra

Thống kê của Bệnh viện Việt Đức tại hội thảo cho biết có đến 42% tác nhân sự cố là do nhân viên y tế, 32% do tổ chức, dịch vụ, 8% liên quan tới người bệnh, 8% do các yếu tố bên ngoài, 4% do môi trường làm việc.

Thông tin tại hội thảo cũng cho hay nhờ những tác động về chính sách, tỉ lệ nhân viên y tế tự nguyện báo cáo sự cố đã tăng lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với bắt buộc phải báo cáo.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, an toàn người bệnh là sự quan tâm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, người dân và xã hội. Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 tại London (Vương Quốc Anh) đã khởi xướng việc phát động mục tiêu an toàn người bệnh, mục tiêu an toàn người bện được phát động lần thứ hai tại Đức năm 2017 và lần thứ ba tại Nhật Bản năm 2018.

An toàn người bệnh được đưa lên thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu, đã đệ trình và thông qua tại Đại hội đồng Y tế thế giới tổ chức vào tháng 5/2017 tại Geneva và Đại hội đồng Y tế thế giới chính thức lấy ngày 17/9 hàng năm là "Ngày An toàn người bệnh Thế giới”, bắt đầu từ năm 2019. Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực tham gia cuộc vận động đưa ra sáng kiến này.

“Đảm bảo an toàn người bệnh và đảm bảo an toàn phẫu thuật là mục tiêu sống còn của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Việc triển khai các thông tư và hướng dẫn sẽ góp phần đảm bảo sự an toàn cho người bệnh khi đến các cơ sở y tế và đảm bảo an toàn khi tham gia phẫu thuật. Đây là những nội dung quan trọng đòi hỏi các cán bộ y tế phải quan tâm hàng đầu để đảm bảo an toàn, đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói

Ở Việt Nam công tác bảo đảm an toàn người bệnh được Bộ Y tế sớm quan tâm và và tập trung chỉ đạo mạnh mẽ trong suốt thời gian qua như: Bộ Y tế đã tham mưu cho Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các điều kiện bảo đảm an toàn người bệnh như: Các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về sai sót chuyên môn kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai thực hiện: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về an toàn người bệnh; Bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa...

Hiện nay, tỷ lệ tai biến y khoa vẫn luôn rình rập, thậm chí là ở mức cao, kể cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Báo cáo của một số bệnh viện trên thế giới cho thấy, bệnh nhân đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng do chính bệnh viện gây nên.

“Các mục tiêu về an toàn người bệnh mà chúng ta hướng đến, đó là xác định chính xác người bệnh, là giao tiếp hiệu quả, là an toàn sử dụng thuốc, là thuốc thật, điều trị đúng vị trí, phương pháp, đó là giảm nguy cơ nhiễm trùng trong bệnh viện và giảm nguy cơ, hậu quả do ngã. Đặc biệt là quan tâm khu vực cấp cứu và khu vực khoa phẫu thuật gây mê hồi sức”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo cùng khẳng định, an toàn người bệnh là sự quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế. Trước hết là an toàn cho người bệnh, đồng thời cũng là “an toàn” cho chính các bác sĩ. Theo đó, giải pháp đầu tiên là thay đổi “văn hóa an toàn người bệnh” bằng cách tạo môi trường giao tiếp hiệu quả trong khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống báo cáo sự cố y khoa - chia sẻ kinh nghiệm xử lý một số sự cố về an toàn phẫu thuật; giảm tỷ lệ sai sót trong kê đơn thuốc, tối ưu hóa quy trình cấp phát thuốc đảm bảo an toàn…

Đặc biệt, tại Hội thảo, Bộ Y tế đã nhận được 176 poster báo cáo của các bệnh viện về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh. Ban tổ chức đã lựa chọn 14 poster có chất lượng để trao giải nhằm khuyến khích các bệnh viện tham gia tích cực nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh - nhiệm vụ “sống còn” của mỗi cơ sở y tế. Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) đã xuất sắc giành giải Nhất poster với chủ đề: “Ứng dụng công nghệ số trong an toàn phẫu thuật”


Thái Bình
Ý kiến của bạn