Làm gì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho hơn 800.000 học sinh bán trú mỗi ngày của Hà Nội?

21-12-2018 11:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh. Việc truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học sẽ phải siết chặt hơn nữa

 

Sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường mầm non Xuân Nộn (Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ phải nhập viện, cơ quan chức năng đã rút ra được 5 bài học đắt giá…

Tại buổi tọa đàm về “Đảm bảo ATTP bữa ăn bán trú trong trường học trên địa bàn Hà Nội” vừa diễn ra, ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn bán trú trong trường học luôn được thành phố rất quan tâm, dù vậy lĩnh vực này cũng còn tồn tại nhiều khó khăn.

Hiện tại, toàn Hà Nội có 1.685 trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh, chiếm tỷ lệ 63%. Trong đó có 1.074 trường Mầm non, 456 trường Tiểu học, 126 trường THCS, 29 trường THPT. Hàng ngày, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phục vụ trung bình trên 800.000 học sinh ăn bán trú.

Theo ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở GD&ĐT Hà Nội, hầu hết bếp ăn tập thể trường học đều đã đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Song để bảo đảm ATTP bữa ăn bán trú, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường học, rất cần có sự quan tâm, trách nhiệm hơn nữa của Ban giám hiệu các nhà trường, thầy cô giáo, nhân viên, cha mẹ học sinh, người sản xuất, chế biến, kinh doanh về an toàn thực phẩm

Cách đây khoảng một tháng, tại Hà Nội đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú trường học rất nghiêm trọng khiến hàng trăm trẻ và 2 cô giáo Trường Mầm non Xuân Nộn (Đông Anh) phải nhập viện thăm khám và điều trị. Ông Trần Ngọc Tụ cho rằng từ vụ ngộ độc và cách xử lý vụ ngộ độc kể trên, các cơ quan chức năng đã rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quý giá.

Sau bữa ăn tại trường, hàng trăm học sinh của trường mầm non Xuân Nộn- Đông Anh đã bị ngộ độc thực phẩm phải vào các cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi

Thứ nhất, khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm cần có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của chính quyền địa phương nơi xảy ra ngộc độc. Thứ hai, khi triển khai điều tra, xử lý, cấp cứu vấn đề về ngộ độc thực phẩm phải có một người tổng chỉ huy. Thứ ba, tổ chức thông tin kịp thời về tình hình vụ ngộ độc. Thứ tư, huy động lực lượng y tế, chuyên gia để điều trị, cấp cứu kịp thời cho người bệnh. Cuối cùng là phải phối hợp truy xuất, thu hồi sản phẩm, truy trách nhiệm các đơn vị liên quan.

“Như trong vụ ngộ độc tại trường Mầm non Xuân Nộn, trong 2 ngày các cơ quan chức năng đã kiểm tra 18 cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhà trường, với 29 loại thực phẩm đã cung cấp. Đặc biệt, đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cơ sở cung cấp bánh ngọt liên quan đến bữa ăn gây ngộ độc tại nhà trường để sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc” – ông Tụ dẫn chứng.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, từ vụ ngộ độc thực phẩm mới đây tại trường Mầm non Xuân Nộn, Sở Y tế đã thông tin để rút kinh nghiệm cho các trường học khác trên toàn địa bàn. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của nhà trường, của phụ huynh trong vấn đề này.

“Tới đây, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học, việc thanh tra kiểm tra sẽ có sự phối hợp với ban phụ huynh. Việc truy suất nguồn gốc thực phẩm vào trường học sẽ phải siết chặt hơn nữa” - ông Trần Văn Chung cho biết.

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn