Thiếu, yếu đủ đường
Nghệ thuật sân khấu Việt thời gian qua đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Một phần vì các loại hình văn hóa giải trí thời đại mới bùng nổ. Cùng với đó, nhiều vở chèo, cải lương, kịch nói... không có nhiều nét mới và đủ “chất” để hút khán giả. Không những thế, thiếu kinh phí dàn dựng, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với sức lao động người nghệ sĩ bỏ ra và thiếu kịch bản mới có sức sáng tạo đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Liên hoan Sân khấu Cải lương 2018 vừa khép lại, bên cạnh những mặt tích cực thì NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá, liên hoan chưa có nhiều kịch bản mới sáng tác, vẫn phải dựa vào số kịch bản đã có từ khá lâu, được chuyển thể và số lượng các vở diễn phục dựng lại chiếm số lượng lớn. Việc thiếu vắng những kịch bản lớn, xứng tầm với tư tưởng và thời đại hôm nay như khoét sâu thêm lỗ hổng của cải lương nói riêng, sân khấu Việt nói chung. Trong khi đó, ở thể loại kịch nói, nhiều nhà hát ở nước ta thời gian qua vẫn dựng vở từ các kịch bản ra đời nhiều thập kỷ trước, đặc biệt là các kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Ngoài ra, thiếu kịch bản tốt nên các nghệ sĩ phải tìm đến nhiều tác phẩm của các tác giả lừng danh nước ngoài như Shakespeare, Molière... hoặc chuyển thể từ các tác phẩm văn học trong và ngoài nước.
Thời gian qua, nhiều nhà hát thường xuyên dựng lại các vở kịch của Lưu Quang Vũ do thiếu kịch bản mới chất lượng.
Lo ngại hơn nữa, để duy trì và tồn tại, nhiều vở được gọi là “kịch” nhưng thực chất chỉ như một sự xâu chuỗi các chặp hài, là nơi để các diễn viên trổ tài chọc cười khán giả bằng mọi cách, nội dung hời hợt nên người xem nhanh chóng lãng quên. NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, rất muốn dựng kịch của các tác giả trẻ, tuy nhiên, dù có trong tay nhiều tập kịch bản của các tác giả khắp mọi miền đất nước gửi về nhưng “muốn tìm những cây viết mới nhưng đọc mãi mà tôi không tìm được sự đồng cảm nào”. Nỗi lo thêm nhiều bởi sân khấu nước ta thiếu tác giả trẻ tài năng, bởi hầu hết những người đã tốt nghiệp khoa biên kịch sân khấu ở Trường Sân khấu điện ảnh đều trở thành biên tập viên, cán bộ quản lý văn hóa hoặc nhân viên phòng nghệ thuật...
Để có kịch bản mới, chất lượng
Thiếu vắng kịch bản đã không còn chuyện bây giờ mới kể đối với các nghệ sĩ sân khấu nước ta. Lý giải về hiện tượng này, nhà viết kịch gạo cội Lê Duy Hạnh cho rằng, sân khấu hiện nay trong giai đoạn giao thời, thế hệ viết trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo, thiếu kiến thức văn học, thiếu bản lĩnh thích ứng giữa môi trường xã hội và đời sống sàn diễn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta không thể tìm ra đáp án cho bài toán khó này.
PGS.TS. Phạm Duy Khuê chia sẻ, tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện; song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giàu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần có chế độ đãi ngộ (nhuận bút) phù hợp với các tác giả trong ngành sân khấu, qua đó giúp các cây bút có thêm động lực và bung hết khả năng sáng tạo.
Một trong những cách để có kịch bản mới và chất lượng, mới đây, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu tại Đại Lải (Vĩnh Phúc) với sự tham gia của 15 tác giả sân khấu hàng đầu và tác giả trẻ ở Việt Nam. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, khi trại sáng tác khép lại, các tác giả sẽ có được tác phẩm với cấu trúc, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ thời đại mới để nhanh chóng đưa vào dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật phục vụ khán giả. Ngoài việc tạo không gian cho các tác giả bằng cách mở trại sáng tại nói trên, khán giả mong muốn người sáng tác kịch bản cần thâm nhập thực tế cuộc sống để tác phẩm sân khấu thoát khỏi sự đơn điệu, máy móc, rập khuôn trong cách đặt và cách giải quyết vấn đề.
Đặc biệt, để có được những kịch bản sân khấu hay, chúng ta phải đầu tư, nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện để họ phát triển. Các cây bút trẻ cần được trao cơ hội tham gia các lớp tập huấn, thậm chí gửi đi học nước ngoài để tiếp cận những vùng có nền văn học nghệ thuật phát triển, từ đó làm giàu vốn hiểu biết, kỹ năng xây dựng kịch bản hay.