Tại buổi toạ đàm khoa học "Tiêu hoá khoẻ - Khoẻ hơn mỗi ngày" trong chuỗi chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá thế giới 29/5 do Báo Sức khoẻ & Đời sống phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức cùng sự đồng hành của Vinamilk, các chuyên gia thông tin tại Việt Nam có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang có sự gia tăng đáng báo động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh hệ tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch.
"Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa hỗ trợ hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn"- GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh tại buổi toạ đàm.
Đường ruột khỏe mạnh khi có 85% là lợi khuẩn
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thông tin thêm: Ở người, hệ vi sinh vật đường ruột có số lượng vi khuẩn lớn nhất và số lượng loài lớn nhất so với các khu vực khác của cơ thể. Sự phát triển của một hệ vi sinh vật đường ruột ổn định và đa dạng hỗ trợ điều hòa miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật, tiêu hóa thức ăn.
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì. Dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.
Khi chúng ta thường xuyên tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật, hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để đảm bảo việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cũng cấp cho nhu cầu cơ thể.
"Để bảo vệ biên giới mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch một cách liên tục. Bên cạnh đó, các mô này cũng tiết kháng thể IgA để bảo vệ lớp mảng nhầy thành ruột không bị tổn thương trong quá trình tiêu hóa"- GS.TS Lê Danh Tuyên nói.
Không chỉ vậy, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn nêu rõ: Miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hóa, béo phì, đái thảo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư, Parkinson…
Các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Làm gì để có một đường ruột khoẻ mạnh? Khuyến cáo từ chuyên gia
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ những yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ của đường ruột thường xảy ra với những người ít vận động, không tập thể dục thể thao hay nghiện bia rượu. Đây là tác nhân chính ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và gây nên các rối loạn chức năng ở đường ruột.
Bên cạnh đó những thói quen ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn dầu mỡ, các thực phẩm có đường, chất xơ thấp/ Uống nhiều nước có gas, ăn uống không đúng giờ/ Ăn vặt quá nhiều, thức ăn lạnh gây đau bụng, không tiêu, tiêu chảy/ Ăn quá nhanh, quá no, ăn đồ chua cay hay thức ăn bị ôi thiu cũng gây ảnh hưởng xấu đến đường ruột.
Vậy câu hỏi đặt ra là một đường ruột khỏe mạnh khi nào? "Đó là khi hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng"- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói và cho biết chế độ ăn cân đối, đủ chất xơ (rau xanh quả chín: 400g, 200-300g quả chín), gạo lứt/gạo lật sẽ cung cấp chất xơ cho các lợi khuẩn; đồng thời nên sử dụng thực phẩm lên men có chứa các men vi sinh/ lợi khuẩn, sữa chua ăn/ uống chứa các lợi khuẩn/ men vi sinh tốt.
Phân tích thêm về vai trò của sữa/sữa chua, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, sữa/sữa chua cung cấp các dưỡng chất cần cần thiết cho cơ thể. Sữa chua lên men từ các men vi sinh giúp tiêu hoá khoẻ, và tăng cường miễn dịch.
Sử dụng sữa chua hàng ngày là một cách chăm sóc hệ tiêu hóa hiệu quả: với hàm lượng men vi sinh cao. Men vi sinh tốt cho tiêu hóa giúp đường ruột khỏe mạnh, dưỡng chất sẽ được hấp thu hiệu quả.
"Chủng men vi sinh tốt, cùng với các thành phần dinh dưỡng được lên men giúp sữa chua dễ tiêu hóa, giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, chống lại bệnh táo bón, tăng khả năng tiêu hóa lactose và tăng khả năng hấp thu vitamin và khoáng chất, tăng cường sức khỏe đường ruột. Từ đó, giúp nâng cao miễn dịch nhờ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, vì 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường ruột."- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Đạm trong sữa chua chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu với tỷ lệ cần thiết cho quá trình tổng hợp protein,đồng thời đạm trong sữa chua cũng hỗ trợ hấp thu các khoáng chất như canxi, magie, và phốt pho, hỗ trợ giảm huyết áp.
Lượng chất béo trong sữa chua góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp vận chuyển những vitamin tan trong chat béo giúp cấu tạo màng tế bào, hỗ trợ sự phát triển của trí não, xương, thị giác, hệ miễn dịch.
"Sữa chua chứa hàng triệu vi sinh đường ruột, khi vào đến đại tràng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn đường ruột phát triển, ức chế hại khuẩn gây bệnh: Giúp giảm rối loan tiêu hoá, táo bón. Sữa chua giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn nên những người ăn sữa chua thường xuyên (ít nhất 1 hộp/ngày) có lượng dinh dưỡng hấp thụ cao hơn những người khác"- PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.
Tài liệu của Hội đồng Sáng kiến Sữa chua trong Dinh dưỡng (YINI) người thường xuyên sử dụng sữa chua giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2;
Người thường xuyên ăn sữa chua cũng có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do sữa chua rất giàu vi chất dinh dưỡng và protein, một số chất (canxi, Kali, magie) đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp; giảm nguy cơ đột quỵ…