Hà Nội

Làm gì để bệnh nhân không còn sợ nhà vệ sinh bệnh viện?

TS. Doãn Ngọc Hải

TS. Doãn Ngọc Hải

Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường

17-06-2016 14:26 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện (BV) các tỉnh phía Bắc mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đưa tiêu chí nhà vệ sinh BV vào để chấm điểm BV.

Tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện (BV) các tỉnh phía Bắc mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đưa tiêu chí nhà vệ sinh BV vào để chấm điểm BV. Đây là một cuộc “tấn công” nhà vệ sinh BV để chấm dứt tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu, là nỗi khiếp sợ của bệnh nhân. Bởi theo Bộ trưởng, trong định hướng chung nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại những tiện ích và cơ sở hạ tầng, điều kiện thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh thì không thể bỏ qua vấn đề vệ sinh và nhà vệ sinh trong các cơ sở y tế. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.

TS. Doãn Ngọc Hải.

PV: Thưa ông, câu chuyện nhà vệ sinh BV từ lâu đã là bức xúc của người bệnh. Vậy theo  ông, liệu người dân có thể vui mừng trước thông tin mà tư lệnh ngành y đã đưa ra là nhà vệ sinh BV sẽ được giải quyết triệt để?

TS. Doãn Ngọc Hải: Chúng tôi cho rằng đây là một điều đáng mừng và là một tin vui cho những người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh khi người đứng đầu ngành y tế đã quyết tâm giải quyết vấn đề nhà vệ sinh BV.

Thực tế hiện nay giá dịch vụ y tế hiện đang và tiếp tục được điều chỉnh giá theo hướng thu đủ bù chi, đã kết cấu phần vệ sinh vào giá thành, vì vậy không có lý do gì để không làm tốt vấn đề này. Nhà vệ sinh BV bẩn là điều bức xúc cho bất kỳ ai vào BV. Để chuẩn bị cho việc này, Bộ trưởng đã chỉ đạo đưa tiêu chí vệ sinh vào chấm điểm BV dù thời điểm đó có nhiều tranh luận vì chỉ đưa 5% số điểm cho vệ sinh. Với các điều kiện đã được chuẩn bị sẵn và việc khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực thi cải thiện vệ sinh trong BV của Bộ trưởng, chúng tôi tin chắc rằng sẽ sớm có những cải thiện đáng kể để phục vụ người bệnh trong thời gian tới.

PV: Là viện quốc gia đầu ngành, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chuyên môn về vệ sinh môi trường, ông cho biết thực trạng các nhà vệ sinh trong BV hiện nay như thế nào ?

TS. Doãn Ngọc Hải: Phải nói rằng trong những năm gần đây công tác vệ sinh BV nói chung, trong đó có nhà vệ sinh đã được cải thiện do các BV đã được xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay, tiền viện trợ quốc tế hoặc vốn của địa phương... Các BV từ tuyến Trung ương tới tuyến huyện đã được đầu tư xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh theo yêu cầu về số lượng nhà vệ sinh trên giường bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế BV.

Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tiến hành trên các BV các tuyến theo vùng sinh thái đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế. Nhà vệ sinh BV, nhất là khu vực dành cho bệnh nhân và các khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu xà phòng rửa tay, gây đọng nước, xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa và đặc biệt là mùi hôi nặng nề do lượng người dùng nhiều, không được xử lý kịp thời... Thậm chí một số BVcác nhà vệ sinh còn bị khóa cửa do không có người lau dọn.

Vấn đề vệ sinh và nhà vệ sinh bệnh viện sẽ được chấn chỉnh kịp thời. Ảnh: TM

PV: Nguyên nhân của những tồn tại đó là vì sao, thưa ông?

TS. Doãn Ngọc Hải: Tôi cho rằng có thể do vấn đề này chưa được các nhà quản lý quan tâm đúng mức, thiếu sự tổ chức và quản lý hợp lý; đồng thời cũng phải nói đến thực tế là vẫn còn sự thiếu ý thức trong bảo quản và sử dụng của cả nhân viên y tế và người bệnh, người dân.

Ngoài ra, ở một số vùng như miền núi, vùng sâu, thiết kế nhà vệ sinh chưa phù hợp với tập quán và đặc điểm tình hình của địa phương nên nhà vệ sinh dù có nhưng chưa được sử dụng, bảo quản đúng. Việc thiếu nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí cũng là một rào cản để các BV thực hiện tốt công tác vệ sinh BV.

PV: Từ thực tiễn những vấn đề đang tồn tại của nhà vệ sinh BV như vậy, theo ông, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các giải pháp, chiến lược gì?

TS. Doãn Ngọc Hải: Theo tôi, để các định hướng và chỉ đạo của Bộ trưởng được thực thi nhanh chóng và triệt để, trước hết, cần có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế, trong đó quy rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở y tế.  Bên cạnh đó, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các viện chuyên ngành tổ chức tập huấn, huấn luyện về công tác quản lý vệ sinh bệnh viện cho tất cả các đơn vị khám chữa bệnh các tuyến và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện cho Bộ Y tế.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc thanh kiểm tra các BV, cơ sở y tế để đảm bảo tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn này. Đồng thời cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của các nhà quản lý BV, nhân viên y tế và chính những người bệnh, người dân về quản lý, sử dụng, bảo quản, duy trì vệ sinh BV nói chung, trong đó có nhà vệ sinh.

Về phía các nhà quản lý BV, tôi cho rằng, đã đến lúc chính các nhà quản lý BV cũng cần nhận thức rõ rằng vệ sinh và nhà vệ sinh BV là một trong những khía cạnh quan trọng, cần được ưu tiên trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở mình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Thái Bình (thực hiện)
Ý kiến của bạn