Người Việt tiêu thụ đồ uống có đường cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WHO
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do. Trong đó gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và dạng bột; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; nước có vitamin; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; và sữa có pha chế hương liệu và đồ uống làm từ sữa; và các sản phẩm đồ uống thay thế sữa có nguồn gốc thực vật có đường.
Về tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam, thống kê cho thấy, Việt Nam tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, và năm 2018 là 50,7 lít/người.
Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25 g/ngày của WHO.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đồ uống có đường mang thêm năng lượng ngoài khẩu phần ăn, đồng thời có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều đồ ăn hơn, đặc biệt là đồ chiên, nướng gây dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa.
Đường trong đồ uống có đường là đường lỏng và chủ yếu là fructose nên được hấp thụ nhanh qua gan và chuyển thành chất béo trong gan.
Đồ uống có đường là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường...Theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với WHO đưa ra con số có khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã lên đến gần 7,3%. Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái tháo đường ở nước ta tăng gần gấp đôi.
Không chỉ người trưởng thành mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng, số trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.
Tại Bệnh viện Nội tiết TW, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường tuýp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến lối sống: chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực.
Đái tháo đường không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi người bệnh thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Áp thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ
Hiện nay, gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường. Có bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường với sự gia tăng toàn cầu về thừa cân, béo phì nguy cơ sâu răng, đái tháo đường tuýp 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa khác và một số bệnh ung thư. Đồ uống có đường còn gây ra gánh nặng cho cá nhân, xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.
Chính vì thế Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25gam) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, WHO khuyến cáo ở cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là các biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.
Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Trong cuộc gặp mặt chia sẻ thông tin với báo chí cuối tuần qua, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, tiếp tục nhấn mạnh: WHO kêu gọi Việt Nam đánh thuế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, trong đó có đồ uống có đường. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ giới trẻ.
Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%, trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Các chuyên gia về chính sách thuế cũng đưa ra quan điểm, bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đắc biệt là phù hợp với Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, khuyến nghị của WHO và xu thế phát triển của thế giới.
Hiện 115 quốc gia và vùng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%
Hay tại bang Philadelphia (Mỹ) sau khi thực hiện đánh thuế với đồ uống có đường là 1,5 xu/ounce, thì lượng đường tiêu thụ hàng ngày ở trẻ em đã giảm 22% (15 gam) so với trước khi áp thuế; còn người lớn giảm khoảng 6 gam mỗi ngày. Tương tự, một vài tháng sau khi đánh thuế với đồ uống của Berkeley's (California, Mỹ), những người trưởng thành có thu nhập thấp đã giảm mức tiêu thụ đường tới 21%.