Làm gì để bài chòi vươn xa?

03-05-2016 09:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung.

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung. Trong những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, diễn xướng nghệ thuật bài chòi đã được tổ chức, qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân cũng như việc gìn giữ, phát triển bài chòi. Nhưng để được ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì nghệ thuật bài chòi còn phải tiến một bước dài.

Quá khứ vàng son

Có thể nói, nghệ thuật bài chòi đã có một thời vàng son đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Việc được giới sân khấu chuyên nghiệp đánh giá Thoại Khanh - Châu Tuấn là vở diễn xuất sắc tại Hội diễn năm 1957 đã chứng tỏ sự phát triển vượt bật, làm mốc cho sự hình thành kịch chủng dân ca bài chòi, đưa môn nghệ thuật này lên thành sân khấu chính quy hiện đại.

Bài chòi - Nghệ thuật sân khấu độc đáo và là di sản quý của Việt Nam.

Kể từ đó, các tác giả sân khấu bài chòi đã mở ra nhiều đề tài khác nhau với một loạt các vở diễn nổi tiếng, góp phần không nhỏ trong việc phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, các nghệ sĩ bài chòi trở về miền Nam phục vụ, miền Bắc không còn đoàn nghệ thuật bài chòi nữa. Nhờ trưởng thành trên miền Bắc mà khi trở về Nam, nghệ thuật bài chòi vẫn tiếp tục phát triển, vẫn biểu diễn và tham gia đầy đủ các đợt hội diễn lớn. Điển hình, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan Sân khấu Dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc. Các đoàn ca kịch bài chòi Quảng Nam, Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã mang đến những vở diễn đề tài truyền thống, lịch sử, huyền sử, dân gian hoặc hiện đại... tạo nên sắc màu dân tộc đậm đà của mỗi địa phương, nhưng vẫn nổi bật được giá trị riêng của nghệ thuật bài chòi.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ban đầu chỉ là trò chơi dân gian đơn giản, dần dần các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo, bổ sung, định hình, đưa bài chòi trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng phong phú và đa dạng về hình thức. Thông qua nội dung của những câu hát, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng... mang đậm tính nhân văn, giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Cần lan tỏa và gắn kết với cộng đồng

Năm 2014, bài chòi Phú Yên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bài chòi khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng là nghệ thuật kết hợp giữa thơ, nói vè, hát, hô, khua trống, mõ, nhạc đệm, diễn trò cũng như vận dụng cả các điệu xuân nữ, xàng xê, hò Quảng...

Cùng với Phú Yên, phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) được ví như một “bảo tàng sống” về văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó, nghệ thuật diễn xướng hô hát bài chòi có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Hội An vào đêm rằm hằng tháng, tại sân khấu ngoài trời ngay bên bờ sông Hoài, những điệu hát bài chòi từ lâu đã trở thành địa điểm thu hút rất đông du khách và người dân khi tới tham quan phố cổ.

Nhờ sự cổ vũ của cộng đồng, nghệ thuật bài chòi đã lan tỏa mạnh trong thời gian gần đây. Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam” trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này phần nào đáp ứng mong mỏi của những người yêu mến nghệ thuật truyền thống, nhưng xét ở một phương diện nào đó, khi chúng ta hướng tới mục tiêu công nhận bài chòi là di sản văn hóa của nhân loại, trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO sẽ phải thực hiện theo các tiêu chí nghiêm ngặt của tổ chức khoa học quốc tế này.

Tuy vậy, chúng ta vẫn có một niềm tin vững chắc, bởi nhắc đến nghệ thuật bài chòi Việt Nam, nhiều người thường nghĩ đến sự gần gũi, giản dị và nét thú vị bởi những người trình diễn trong hội chơi, còn dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế, bài chòi được đánh giá với những khía cạnh độc đáo khác, đặc biệt hơn khi bài chòi được nhiều học giả quốc tế nhìn nhận có những nét tương đồng với một số loại hình nghệ thuật trên thế giới. Điều này giúp bài chòi Việt Nam được khẳng định trong mắt bạn bè quốc tế, là di sản quý báu cần được công nhận và có định hướng bảo tồn bền vững.

Nhưng để được UNESCO công nhận, bài chòi cũng như bao di sản văn hóa phi vật thể khác vẫn cần sự tham gia của cộng đồng vì chính cộng đồng là chủ thể của các di sản.


Nam Phương
Ý kiến của bạn