Hà Nội

Lạm dụng tình dục - "cơn đau" dai dẳng của làng mốt thế giới

18-09-2014 14:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hầu hết người mẫu bị nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia lạm dụng tình dục đều sợ rằng, nếu nói ra sự thật, tấm vé thông hành vào thế giới phù hoa của họ sẽ bị hủy vĩnh viễn.

Hầu hết người mẫu bị nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia lạm dụng tình dục đều sợ rằng, nếu nói ra sự thật, tấm vé thông hành vào thế giới phù hoa của họ sẽ bị hủy vĩnh viễn.

Trong con mắt của nhiều người, thời trang là thế giới của cái đẹp với những bộ cánh sành điệu, các chân dài thời thượng cùng hàng loạt nhà tạo mẫu tài năng. Nhưng ẩn sau sự lộng lẫy đó là quá trình đào thải khắc nghiệt - nơi không ít người trong nghề hứng chịu đủ cám dỗ trên con đường tạo dựng tên tuổi.

Lạm dụng tình dục bị coi là một trong số vấn đề đau đớn nhất đối với giới thời trang hiện đại. Một số người chọn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt" trước những kẻ có "máu mặt" trong ngành công nghiệp này, cốt để tiến thân hoặc yên ổn sống với nghề. Trong khi số khác lại phản kháng bằng cách dũng cảm vạch mặt đám "yêu râu xanh". Không ít câu chuyện khiến công chúng sửng sốt vì mặt trái của ngành công nghiệp thời trang.

Người mẫu 26 tuổi Roswell Ivory nhận được nhiều đồng cảm khi chia sẻ về việc bị Shaun Colclough lạm dụng.

"Con mồi" của những kẻ chuyên đi lạm dụng tình dục trong làng mốt thường là giới người mẫu. Tận dụng danh tiếng và quyền lực sẵn có, nhiều người trong giới đã tìm cách dụ dỗ, uy hiếp thậm chí dọa dẫm các người mẫu "thấp cổ bé họng" để thực hiện hành vi đồi bại.

Mới đây, người mẫu Roswell Ivory đã chia sẻ chuyện bị nhiếp ảnh gia Shaun Colclough lạm dụng. Khi nhận được lời mời chụp hình, Roswell không hề lo lắng bởi Shaun từng hợp tác với nhiều công ty quản lý người mẫu tầm trung và lớn như IMG, Premier hay Oxygen. "Bình thường, tôi vẫn hỏi ý kiến các người mẫu khác nhưng khi thấy ông ta làm việc với nhiều hãng quản lý lớn, bản thân tôi đã nghĩ công việc của mình sẽ trở nên tuyệt vời", cô kể.

Shaun Colclough đã yêu cầu cô gái không được trang điểm, cởi quần áo và tạo dáng trước ống kính dù biết các người mẫu trẻ sẽ cảm thấy không an toàn và dễ tổn thương trong trạng thái như vậy. Dù không thoải mái, Roswell vẫn làm theo. Vừa chụp hình, tên "yêu râu xanh" vừa tiếp cận cô gái. Ông ta vờ trò chuyện, buông những lời hỏi han về đời sống tình dục của Roswell Ivory rồi xâm hại.

Sau khi bị lạm dụng, chân dài chọn cách im lặng để mọi chuyện trôi qua. Nhưng đến lúc tham gia một show diễn tại Barcelona, cô được nghe những câu chuyện giống hệt từ các đồng nghiệp. Phát hiện mình không phải là nạn nhân duy nhất của Shaun Colclough, người mẫu quyết định lên tiếng. Kết quả sau đó, hàng loạt nạn nhân khác cũng đã gửi đơn tố cáo đến cảnh sát London (Anh). Tên "yêu râu xanh" 40 tuổi lập tức bị lãnh án 7 năm tù.

Một trong những nhiếp ảnh gia tên tuổi bị phanh phui vì dính líu đến lạm dụng tình dục nhiều nhất là Terry Richardson. Không chỉ cộng tác với nhiều tạp chí nổi tiếng như GQ, Vogue, Harper's Bazaar hay Rolling Stone, tay máy này còn từng chụp hình cho nhiều nhân vật danh tiếng như Tổng thống Barack Obama, diễn viên Lena Dunham, ca sĩ Beyonce, Miley Cyrus hay Lady Gaga. Được chụp hình với Terry Richardson giống như một tấm vé thông hành đảm bảo cho tương lai đầy hứa hẹn của các cô gái trẻ trong thế giới thời trang. Tuy vậy, không ít người "vỡ mộng", thậm chí uất ức khi bị nhiếp ảnh gia này quấy rối tình dục.

Người trong giới bàn tán về những hành vi thiếu đứng đắn của Terry từ lâu nhưng mãi đến năm 2005, Gabriela Johansson mới là người mẫu đầu tiên dám đưa sự việc ra ánh sáng. Các năm sau đó, nhiếp ảnh gia phải đối mặt với nhiều cáo buộc lạm dụng tình dục liên tiếp từ Jamie Peck, Coco Rocha, Emma Appleton, Anna del Gaizo... Những nạn nhân này cho biết, Terry Richardson không chỉ sàm sỡ mà còn ép họ thực hiện nhiều hành vi kỳ quặc, bệnh hoạn hết lần này đến lần khác. Thậm chí, trợ lý của Terry Richardson chính là kẻ dụ dỗ người mẫu tham gia chụp hình và là người ghi lại những hành động mà nhiếp ảnh gia bắt họ phải thực hiện.

Terry Richardson nổi tiếng là nhiếp ảnh gia đồi trụy trong làng mốt.

Ngoài nhiếp ảnh gia, không ít nhà thiết kế cũng bị dính vào những vụ bê bối liên quan đến việc lợi dụng uy tín để lạm dụng người mẫu. Năm 2008, Anand Jon Alexander, một nhà thiết kế người Mỹ gốc Ấn, bị kết án 59 năm tù vì nhiều tội danh khác nhau, trong đó có hiếp dâm và quấy rối tình dục trẻ em. Không chỉ làm việc với nhiều sao nổi tiếng, tên tuổi của Anand Jon Alexander còn được biết đến rộng rãi sau khi xuất hiện trong chương trình America's Next Top Model 2003.

Năm 2007, Anand liên tiếp bị cáo buộc hiếp dâm và lạm dụng tình dục, nổi bật trong đó là vụ với người mẫu Wannabe 14 tuổi. Nhà tạo mẫu đã dụ dỗ người mẫu nhí bằng cách hứa hẹn cho cô bé nhiều cơ hội vàng để bước chân vào ngành công nghiệp thời trang. Quá trình điều tra cho thấy Anand thường xuyên làm quen với các người mẫu qua mạng xã hội, thuyết phục họ đến nhà riêng ở New York hoặc Beverly Hills, sau đó thực hiện các hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục dù họ có đồng ý hay không. Trong phiên tòa xét xử Anand Jon Alexander, có 7 phụ nữ, trong đó chủ yếu là người mẫu trẻ. Theo lời khai của các chân dài, nhà thiết kế nổi tiếng đã bắt họ thực hiện nhiều hành vi quan hệ tình dục "vô cùng khủng khiếp".

Một số người đứng đầu các hãng thời trang lớn cũng không tránh khỏi cám dỗ tình dục. Scandal đình đám nhất gần đây liên quan đến Dov Charney. CEO của hãng bán lẻ thời trang American Apparel biến một nhân viên của hãng, Irene Morales, thành nô lệ tình dục

Sau một thời gian dài im lặng, Irene Morales quyết định lên tiếng và đòi bồi thường 250 triệu USD để những cô gái trẻ khác không trở thành nạn nhân giống mình. Theo ghi nhận của cơ quan điều tra Mỹ, Irene Morales từng bị Dov Charney giam lỏng và ép thực hiện các hành vi quan hệ tình dục trong suốt 8 tháng. Thậm chí, Dov Charney còn mượn tay một nhân viên dưới quyền tung ảnh khỏa thân của Irene lên mạng để đe dọa cô im miệng.

Dov Charney, CEO của hãng bán lẻ đồ lót lớn tại Mỹ, mới đây mắc phải scandal lạm dụng tình dục nhân viên.

Trước lời tố cáo của các nạn nhân, không ít tạp chí và thương hiệu nổi tiếng đã tuyên bố không hợp tác với những kẻ lạm dụng tình dục. Đầu tháng 8 năm nay, đại diện Vogue Mỹ tuyên bố sẽ ngừng làm việc với Terry Richardson. Các hãng như H&M, Mango, Supreme và hàng loạt nhà mốt khác cũng hủy hợp tác với nhiếp ảnh gia này vì cho rằng "những hành động của ông ta là không thể chấp nhận". Trong khi đó, hội đồng quản trị American Apparel cũng phản ứng gay gắt khi tiến hành điều tra toàn bộ hoạt động của Dov Charney trong suốt thời gian ông giữ chức CEO. Họ phanh phui hàng loạt hành vi sai phạm của cựu giám đốc điều hành, trong đó có cả quấy rối tình dục các nhân viên nữ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dũng cảm đối đầu với vấn nạn này. Hầu hết nạn nhân chọn cách im lặng và coi lạm dụng tình dục như một điều hiển nhiên trong ngành công nghiệp thời trang. "Sự nghiệp của người mẫu được duy trì bởi danh tiếng tốt đẹp. Để có được điều đó, chúng tôi phải sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, thật khó để lên tiếng khi có chuyện gì đó không thoải mái", Rebecca Pearson - chân dài người Anh cho biết.

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn