Lạm dụng thuốc y học cổ truyền - Chuốc họa

07-10-2010 12:10 | Thời sự
google news

Hiện nay khá nhiều người bệnh có tâm lý cho rằng sử dụng thuốc y học cổ truyền, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu sẽ không gây hại như thuốc Tây y. Tuy nhiên đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Ngay sau khi báo Sức khỏe & Đời sống số 159 ra ngày 5/10 đăng bài viết “Về thông tin dược liệu Phòng kỷ chứa Acid Aristolochic: Có bằng chứng gây ung thư và suy thận” đã có nhiều bạn đọc quan tâm liên lạc với báo về vấn đề này. Để cung cấp thêm thông tin liên quan đến bạn đọc, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dược liệu TW.

PV: Thưa ông, có thể hiểu như thế nào về dược liệu Phòng kỷ?

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần: Dược liệu Phòng kỷ theo các tài liệu về y học cổ truyền có tác dụng khu phong, trừ thấp, chỉ thống, lợi thủy. Chủ trị chứng phong thấp tý thông, thủy thũng, cước khí phù thũng, là một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Tuy nhiên tên gọi Phòng kỷ là tên gọi của một vị thuốc phong phú và phức tạp nên có thể dễ gây nhầm lẫn. Hiện nay Phòng kỷ trên thị trường lấy từ nhiều loại cây khác nhau, ngoài loại dược liệu Phòng kỷ bắc - Phấn Phòng kỷ (Radix Stephania tetrandra), họ Tiết dê (Menispermaceace) có trong Dược điển Việt Nam IV được cho phép sử dụng, còn có một số loại dược liệu khác cũng mang tên Phòng kỷ nhưng lại thuộc chi Aristolochia và Asarum họ Mộc hương như Quảng Phòng kỷ, Hán Trung phòng kỷ; Rễ gió; Mộc hương nam; một số vị thuốc mang tên Mộc thông như cây Mộc thông mã đậu linh hay Mộc thông; một số dược liệu chi Asarum. Bản thân dược liệu Phòng kỷ bắc - Phấn Phòng kỷ không có chứa acid aristolochic mà theo các tài liệu khoa học chỉ một số loài thuộc họ Mộc hương cũng có tên gọi là Phòng kỷ thì có chứa acid aristolochic.

PV:Như ông vừa nói, hiện nay trên thị trường dược liệu Phòng kỷ có  rất nhiều loại nhưng vẫn có tên gọi chung là Phòng kỷ. Vậy  làm thế nào để có thể phân biệt được sự khác biệt giữa dược liệu Phòng kỷ họ Tiết dê được phép sử dụng (đã có trong dược điển Việt Nam) với các dược liệu cũng mang tên Phòng kỷ nhưng không có trong Dược điển Việt  Nam, thưa ông?

 PGS.TS. Nguyễn Duy Thuần

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần:Thực tế cho thấy, giữa các dược liệu Phòng kỷ bắc- Phấn Phòng kỷ họ Tiết dê  không chứa acid aristolochic hay Quảng Phòng kỷ, Hán Trung phòng kỷ; Rễ gió; Mộc hương nam; một số vị thuốc mang tên Mộc thông như cây Mộc thông mã đậu linh hay Mộc thông; dược liệu chi Asarum có chứa acid aristolochic rất khó có thể phân biệt bằng cảm quan bên ngoài mà chỉ có các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, các cơ sở kiểm nghiệm có đầy đủ trang thiết bị và phương tiện, hóa chất hiện đại mới có thể phân biệt được. Tuy nhiên đặc điểm nhận dạng cơ bản của dược liệu Phòng kỷ bắc - Phấn Phòng kỷ họ Tiết dê được phép sử dụng là nhựa trong thân cây tươi khi chặt ra hoặc khi đã phơi khô đều có vết loang màu đỏ theo hình nan quạt hoặc hướng tâm từ bên trong đi ra.

PV: Vậy, ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng thuốc y học cố truyền hay thuốc có nguồn gốc từ dược liệu?

PGS.TS Nguyễn Duy Thuần: Hiện nay khá nhiều người bệnh có tâm lý cho rằng sử dụng thuốc y học cổ truyền, thuốc có nguồn gốc từ dược liệu sẽ không gây hại như thuốc Tây y. Tuy nhiên đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe do tự ý sử dụng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, y học cổ truyền mà không theo kê đơn, hướng dẫn của thầy thuốc. Đã nói đến thuốc thì dù thuốc Tây y hay thuốc Đông y ngoài tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, cũng có thể có những tác dụng không mong muốn, do đó tôi cho rằng người bệnh cần phải dùng thuốc một cách thông thái, không được tùy ý sử dụng và không được lạm dụng.

Riêng đối với thông tin liên quan đến dược liệu Phòng kỷ, theo tôi, khi cơ quan quản lý đã có cảnh báo về những ảnh hưởng đến sức khỏe thì cả thầy thuốc và người bệnh cần cân nhắc, tạm dừng sử dụng nếu mẫu dược liệu Phòng kỷ đó chưa chắc chắn được nguồn gốc là họ Tiết dê hay họ khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!    
 

Acid Aristolochic có trong dịch chiết các loài của chi Aristolochia, là một hỗn hợp các nitrophenanthrene carboxylic acid có cấu trúc tương tự nhau với thành phần chính là aristolochic acis I (AAI) và aristolochic acis II (AAII). Các dược liệu này đã được sử dụng từ rất lâu trong dân gian để điều trị các chứng phong khớp, sưng nhức, nhọt lở... Y học phương Tây cũng đã sớm sử dụng dịch chiết từ các cây thuộc chi Aristolochia để điều trị viêm khớp, thấp khớp, bệnh gút và vết thương mưng mủ. Với tác dụng chống viêm, các chế phẩm chứa AA dược sử dụng khá rộng rãi ở Đức cho đến năm 1982, người ta đã phát hiện ra AA gây ung thư mạnh trên chuột thí nghiệm và sau đó tất cả các chế phẩm chứa AA đều phải rút ra khỏi thị trường nước này...

...Tính đến năm 2008, số trường hợp mắc bệnh thận gây ra bởi acid aristolochic trên toàn thế giới được thống kê như sau: Bỉ: 128 trường hợp, Trung Quốc: 116 trường hợp; Đài Loan: 33 trường hợp; Nhật Bản: 6 trường hợp, Anh: 4 trường hợp; Pháp: 4 trường hợp; Mỹ: 2 trường hợp, Tây Ban Nha và Đức: 1 trường hợp

 (Nguồn: Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, Trường ĐH Dược Hà Nội)

     

Thái Bình(thực hiện)


Ý kiến của bạn