Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh khá phổ biến, đặc biệt là sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện để lại không ít những hậu quả xấu cho người bệnh và cộng đồng. Vì vậy, nên làm gì để hạn chế việc sử dụng kháng sinh bừa bãi?
Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh khá phổ biến, đặc biệt là sử dụng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện để lại không ít những hậu quả xấu cho người bệnh và cộng đồng. Vì vậy, nên làm gì để hạn chế việc sử dụng kháng sinh bừa bãi?
Lạm dụng thuốc kháng sinh làm hại người bệnh
Rõ ràng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và vi nấm, không có tác dụng với virut, nếu dùng sai sẽ không có hiệu quả gì, bên cạnh đó còn gây ra những điều bất lợi cho người bệnh. Hiện nay, tình trạng tự động mua kháng sinh để tự điều trị là rất phổ biến, trước hết là bệnh không khỏi, bởi vì kháng sinh không phải là loại thuốc điều trị bách bệnh. Hầu hết người dùng kháng sinh sai mục đích là thấy mệt mỏi, đặc biệt cứ sốt, ho là tự mua kháng sinh để tự chữa. Nhiều trường hợp đến cửa hàng thuốc mua kháng sinh, lúc mua loại này, lúc mua loại khác theo tư vấn của người bán thuốc (đối với người bán thuốc chỉ vì lợi nhuận của quầy thuốc). Mặt khác, người không có chuyên môn về y (không phải bác sĩ, dược sĩ) sẽ không hiểu được dùng kháng sinh không đúng có thể bệnh không khỏi hoặc tạm thời khỏi nhưng những lần sau nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh sẽ không khỏi do vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh. Đối với người bệnh, nhất là người cao tuổi, theo một số nhà chuyên môn, lạm dụng thuốc kháng sinh làm cho vi khuẩn kháng thuốc, vì vậy, người cao tuổi dễ mắc bệnh viêm phổi cấp, mạn tính. Ngoài ra, kháng sinh sử dụng bừa bãi thường gây tác dụng phụ như gây tiêu chảy, nôn, dị ứng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu cấp cứu không kịp thời. Với trẻ nhỏ, nếu sử dụng thuốc kháng sinh trong năm đầu tiên của cuộc đời có thể làm tăng nguy cơ bị hen suyễn trong những năm sau. Đó là kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia người Canada.
Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh ngoài khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi, chúng thường có trên da, niêm mạc họng, hầu, mũi, đường ruột (hệ vi khuẩn chí) của người bình thường. Đây là những vi khuẩn tham gia hàng rào bảo vệ cơ thể theo cơ chế sống cạnh tranh khi có vi khuẩn lạ xâm nhập vào các vị trí của chúng, mặt khác chúng còn có khả năng sinh ra một số kháng sinh có lợi cho cơ thể. Khi lạm dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn này gây nên hiện tượng loạn khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn chí ở đường ruột. Loạn khuẩn đường ruột sẽ gây nên ăn không tiêu, đầy bụng, trướng hơi, phân lỏng, gầy sút,... với trẻ em và người cao tuổi có thể bị suy dinh dưỡng.
Việc mua kháng sinh dễ dàng khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh càng khó kiểm soát.
Lạm dụng kháng sinh gây khó khăn cho bác sĩ khám chữa bệnh
Dùng kháng sinh không đúng bệnh, không đúng liều, không đủ thời gian, tùy tiện..., hệ lụy của nó là có nguy cơ bị hạn chế sử dụng kháng sinh chữa bệnh, đó là một khía cạnh gây khó khăn cho bác sĩ điều trị. Bởi vì, trên người bệnh đã dùng nhiều loại thuốc kháng sinh, loại nào cũng dùng không đúng chỉ định gây nên tình trạng vi khuẩn quen thuốc (nhờn thuốc, kháng thuốc). Vì vậy, khi những người này mắc phải bệnh nhiễm khuẩn, bác sĩ không biết lựa chọn loại kháng sinh nào cho phù hợp, do đó bệnh khỏi chậm và bác sĩ phải thay đổi nhiều loại kháng sinh gây tốn kém tiền bạc và thời gian cho người bệnh.
Lạm dụng kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng
Khi có một loại vi khuẩn kháng thuốc, vi khuẩn đó có khả năng lan tính kháng thuốc đó cho các vi khuẩn cùng loại và cả các vi khuẩn khác loại, như vậy tính kháng thuốc của vi khuẩn nhanh chóng lan ra cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chữa trị bằng kháng sinh khi người bệnh mắc bệnh nhiễm khuẩn.
Khắc phục lạm dụng thuốc thế nào?
Để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, trước hết cần quản lý thật chặt việc bán và sử dụng thuốc kháng sinh. Bao giờ thuốc kháng sinh được bán ra phải có đơn thuốc của bác sĩ, việc này muốn giám sát được một cách chặt chẽ, nhất thiết phải có trách nhiệm của các nhà quản lý. Khi đã giám sát chặt chẽ, người dân muốn tự động mua thuốc cũng không thể mua được. Với bác sĩ khám chữa bệnh, nếu thấy chưa cần thiết, chưa sử dụng kháng sinh hoặc hạn chế sử dụng kháng sinh đến mức tối đa. Bởi vì, khi cơ thể có bệnh nhiễm khuẩn đang ở mức độ nhẹ, trước tiên hãy để cho cơ thể tự chống đỡ bằng cách sinh kháng thể để chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó cần có các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu việc sử dụng kháng sinh thế nào cho đúng và tuyệt đối không được lạm dụng.
BS. Bùi Mai Hương