Bệnh tim được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với hàng triệu sinh mạng bị cướp đi hàng năm. Thói quen lối sống không lành mạnh được cho là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, một số loại thuốc giảm đau dạng sủi cũng đóng một vai trò trong việc phát triển tình trạng này.
Các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen… được sử dụng để điều trị các cơn đau nhức khác nhau và hạ sốt. Đây cũng là loại thuốc không kê đơn phổ biến có ở nhiều dạng khác nhau: Từ viên nén đến viên nang cho đến viên đặt (thuốc đạn), thuốc bột pha dung dịch, dạng thuốc sủi… Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, ở dạng sủi làm tăng nguy cơ rủi ro đối với người bệnh tim mạch.
Ở dạng viên sủi, cần phải cho viên thuốc vào cốc nước để hòa tan hoàn toàn trước khi uống và được dùng thuận tiện, đặc biệt cho những người khó nuốt thuốc.
Do có chứa muối, nên thuốc giảm đau dạng sủi có thể làm tăng nguy cơ đau tim.
Nghiên cứu từ Đại học Trung Nam ở Trung Quốc trên gần 300.000 bệnh nhân có độ tuổi từ 60 đến 90, một nửa trong số họ bị huyết áp cao (một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim) cho thấy, những người thường xuyên dùng loại thuốc giảm đau dạng sủi này làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy tim và đặc biệt là tử vong.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát phát hiện ra rằng, thuốc giảm đau có chứa natri, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này bất kể chỉ số huyết áp là bao nhiêu.
Nguyên nhân gây tác dụng phụ liên quan đến bệnh tim đối với dạng thuốc này là do hàm lượng muối (natri) có trong viên thuốc.
Natri được sử dụng để giúp thuốc hòa tan và phân hủy trong nước. Thông thường trong mỗi viên sủi 0,5g có chứa khoảng 274 - 460mg natri. Nếu bạn dùng liều hàng ngày với 2 viên/lần để giảm đau, cách 6 giờ/lần uống một lần, vô tình bạn đã nạp thêm vào cơ thể hơn 3gam natri.
Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) nhấn mạnh rằng, người lớn không nên tiêu thụ nhiều hơn 2,4 gam natri mỗi ngày. Có quá nhiều muối hoặc natri là một yếu tố nguy cơ nổi tiếng đối với bệnh tim.
GS. Sir Nilesh Samani, Giám đốc Y tế của Quỹ Tim mạch Anh cho biết: Một hạn chế quan trọng của nghiên cứu này là chúng tôi không biết mọi người đã tiêu thụ bao nhiêu muối trong chế độ ăn của họ, vì điều này không được ghi lại trong dữ liệu được phân tích. Điều này có nghĩa là chúng tôi không biết liệu có bất kỳ sự khác biệt nào trong việc tiêu thụ muối giữa các nhóm có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tim và tuần hoàn hoặc tử vong hay không.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho biết, nghiên cứu xem xét những người dùng paracetamol sủi bọt và hòa tan trong một thời gian dài. Trong trường hợp thỉnh thoảng dùng paracetamol có chứa natri để kiểm soát cơn đau đầu đơn độc hoặc những cơn đau ngắn hạn, thì không cần phải quá lo lắng về những kết quả nghiên cứu này.
Mời độc giả xem thêm video:
Tự ý sử dụng thuốc đông y chữa bệnh thận không qua chỉ định: Bác sĩ nói gì?