Hà Nội

Lạm dụng thuốc: Đau đầu lại càng đau

03-04-2019 13:18 | Dược
google news

Đau đầu hay nhức đầu là một bệnh rất hay gặp, nhất là ở phụ nữ. Nguyên nhân gây ra đau đầu có thể do tổn thương trực tiếp

Đau đầu hay nhức đầu là một bệnh rất hay gặp, nhất là ở phụ nữ. Nguyên nhân gây ra đau đầu có thể do tổn thương trực tiếp (chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động...) hay bị nhiễm khuẩn (như trong bệnh viêm màng não hay nhiễm vi khuẩn, virut...) còn có những nguyên nhân gián tiếp trong cơ thể gây ra đau đầu.

Đau đầu có thể diễn ra khi hệ thần kinh-mạch máu có những biến đổi hoặc bị tổn thương, nhất là những bệnh về thần kinh hoặc căng thẳng tâm lý. Nhiều khi đau nhức đầu cũng diễn ra do lực căng các cơ bị co giãn quá mức kích thích lên thần kinh trung ương. Các bộ phận ở đầu bị viêm nhiễm cũng gây đau như viêm xoang, đau mắt, đau răng... Những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị đau nhức đầu khi trái gió, trở trời. Các thuốc giảm đau thường được sử dụng trong các trường hợp này. Tuy nhiên, có một nghịch lý là nếu càng lạm dụng thuốc giảm đau thì không những cơn đau không dứt mà lại có nguy cơ diễn ra nhiều hơn.

Lạm dụng thuốc: Đau đầu lại càng đau

Nhiều loại thuốc giảm đau nói riêng cũng như một số thuốc chữa bệnh khác có phản ứng phụ gây đau nhức đầu. Một loại thuốc chữa bệnh đau nửa đầu (migrain) rất hay được sử dụng là ergotamin và các dẫn xuất như dihydroergotamin (biệt dược hay dùng: tamik) có thể dẫn đến sự lệ thuộc thuốc. Nhiều người sau khi sử dụng thuốc này không những không đỡ đau mà lại bị nhức đầu mạn tính do tình trạng cơ thể có thiên hướng nhức đầu khi không có thuốc. Điều này khiến cho bệnh nhân lại tiếp tục uống thuốc và diễn ra một vòng luẩn quẩn là đau - uống thuốc giảm đau - đau - uống thuốc nhiều hơn.

Một số bệnh nhân hay đau nhức đầu đã được các thầy thuốc khám bệnh và đổi sang loại thuốc khác. Hay chọn là các thuốc trong nhóm giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) dạng uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có nhiều phản ứng phụ, nhất là gây viêm loét đường tiêu hoá nên nhiều khi lại mắc thêm các bệnh khác. Nhiều bệnh nhân chuyển sang dùng thuốc giảm đau mạnh hơn nhóm có opioid và thuốc an thần gây ngủ. Điều này sẽ nguy hại hơn nếu tình trạng lạm dụng thuốc diễn ra.

Giải pháp cho tình trạng này là phải ngừng sử dụng thuốc giảm đau kết hợp với thay đổi môi trường sống. Khi bị đau, người bệnh thường có niềm tin là uống thuốc vào sẽ hết đau. Tuy nhiên, thuốc làm cho cơ thể hình thành cảm ứng đau khi nồng độ thuốc trong máu giảm xuống. Trong trường hợp này nên ngừng hẳn loại thuốc đang sử dụng. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục đau thì sử dụng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc như thuỷ châm, xoa bóp, phục hồi chức năng, dùng nhiệt hoặc ánh sáng. Điều quan trọng là vận động cơ thể hợp lý, thay đổi môi trường sống bằng cách thư giãn, nghỉ ngơi, điều hoà khí huyết. Bệnh đau đầu ngoài nguyên nhân thực thể còn có nguyên nhân tâm lý và yếu tố ngoại cảnh. Nếu người bệnh sắp xếp được thời gian nghỉ dưỡng kết hợp với xoa bóp lý liệu pháp thích hợp tại các vùng không khí trong lành sẽ giúp ích nhiều hơn là lạm dụng các loại thuốc giảm đau.


DS. Linh Quân
Ý kiến của bạn