Hà Nội

Lạm dụng thuốc chứa corticoid chữa bệnh ngoài da ở trẻ có thể gây teo da, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn

25-03-2023 09:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Trẻ em thường gặp một số vấn đề về da như hăm tã, chàm sữa, viêm da cơ địa… Việc bôi thuốc để làm giảm các triệu chứng khó chịu cho trẻ là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu lạm dụng các thuốc chứa corticoid có thể hại nhiều hơn lợi...

Các thuốc chống viêm đường bôi thường có chứa corticoid. Đây là thuốc chỉ định trong giai đoạn cấp của chàm hay viêm da cơ địa, chỉ được sử dụng khi có đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ.

Một số thuốc corticoid bôi ngoài da bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ như hydrocortisone 1% hoặc 2.5%; clobetasol butyrate 0.05%.

Một số thuốc khác có chứa corticoid như: Eumovate, gentrisone, fucidin, beprosone… cũng chống chỉ định cho trẻ em dưới 1 tuổi. Tuy nhiên nhiều phụ huynh không hiểu về thuốc nên đã vô tư dùng để thoa cho con.

Các thuốc không tự ý bôi cho trẻ em - Ảnh 1.

Nên dùng kem giữ ẩm lành tính cho trẻ bị chàm, viêm da cơ địa.

Thực tế lâm sàng có không ít trẻ khi bị viêm da, côn trùng cắn, muỗi đốt sưng tấy… phụ huynh mua các thuốc có chứa corticoid về bôi cho con. Nếu lạm dụng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, teo da ở trẻ. Đặc biệt đối với các thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid nồng độ cao, kháng viêm mạnh, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy giảm trục tuyến yên - dưới đồi - tuyến thượng thận, rối loạn sinh lý và giới tính, chậm lớn, chậm phát triển chiều cao…

Lưu ý, các thuốc này có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị trong trường hợp viêm da cấp với các triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên thời gian dùng thuốc là rất ngắn và chỉ được dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Một số thuốc có thể sử dụng cho trẻ em:

- Kem giữ ẩm: Đối với trẻ em bị viêm da cơ địa, chàm sữa, hăm tã… thì việc giữ ẩm rất cần thiết. Chỉ nên sử dụng một số kem hoặc sáp dành riêng cho trẻ. Các loại kem cấp ẩm này nên dùng thường xuyên, lâu dài để làn da của trẻ không bị khô.

Trẻ có làn da nhạy cảm cũng hết sức thận trọng trong việc sử dụng sữa tắm. Nhìn chung nên dùng các loại sữa tắm dịu nhẹ, không dùng các sản phẩm có mùi hương thơm…

- Chất sát trùng: Trường hợp trẻ có sang thương da như chảy dịch, có mủ vẩy tiết (có thể gặp trong các bệnh chốc lây, chàm sữa, viêm da cơ địa…), có thể sát trùng bằng betadine, milian 1%, eosine 2%… Lưu ý, phải để thuốc xa tầm tay trẻ em, tuyệt đối không để trẻ uống phải các chất sát trùng.

- Thuốc kháng sinh, kháng nấm: Các thuốc này chỉ được dùng khi trẻ có biểu hiện nhiễm trùng và được bác sĩ chỉ định sau khi đã khám trực tiếp. Tuy nhiên không tự ý sử dụng vì việc lạm dụng thuốc sẽ khiến trẻ có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao. Một số kháng sinh, kháng nấm dùng đường bôi mà trẻ có thể được chỉ định bao gồm: Mupirocin 2%, acid fusidic, ketoconazol…

Mời độc giả xem thêm video:

3 nhóm người cần hạn chế ăn đậu phụ để không ảnh hưởng đến sức khỏe - SKĐS

BS.Nguyễn Quốc Cường
Ý kiến của bạn