Hà Nội

Lạm dụng thực phẩm - Nguy hiểm tiềm ẩn chưa được chú ý

22-06-2019 14:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong thực tế, thuật ngữ “lạm dụng” thường dùng để chỉ việc dùng thuốc quá nhiều, quá thường xuyên mà không theo hướng dẫn của bác sĩ và có thể gây ra những nguy cơ cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng một số loại thực phẩm dưới đây, mặc dù đó là những chất dường như vô hại cũng có thể khiến bạn phải nhập viện điều trị.

Xì dầu

Vào năm 2013, một thanh niên 19 tuổi ở Virginia, Mỹ nghe lời thách thức của bạn bè đã uống 0,9 lít xì dầu và bị co giật. Bạn bè đã đưa cậu đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Cậu đã được các bác sĩ loại bỏ bớt muối trong cơ thể bằng hỗn hợp nước và đường hóa học. Sau 5 giờ, mức natri trở lại bình thường nhưng tình trạng hôn mê vẫn kéo dài trong 3 ngày sau đó nhưng may mắn là không có bất kỳ vấn đề nào về thần kinh. Các bác sĩ giải thích rằng, do trong máu có quá nhiều muối, nó hút nước từ các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả não nhằm làm giảm nồng độ muối, được gọi là chứng hạ natri huyết. Đây là tình trạng nồng độ natri trong máu xuống thấp với biểu hiện nhẹ là giảm khả năng suy nghĩ, nhức đầu, buồn nôn và mất cân bằng, nặng thì có lú lẫn, co giật, và hôn mê. Nồng độ natri trong huyết thanh bình thường là 135 - 145mmol/L. Hạ natri máu thường được định nghĩa là khi nồng độ natri máu ở mức ít hơn 135mmol/L và được xem là nghiêm trọng ở mức dưới 120mmol/L.

Trà

Tháng 5/2014, một người đàn ông 56 tuổi ở Arkansas, Mỹ được đưa vào bệnh viện sau khi phàn nàn về tình trạng buồn nôn, mệt mỏi và đau khắp mình mẩy. Các bác sĩ đã thăm khám và phát hiện ra rằng thận của bệnh nhân gần như bị mất chức năng hoàn toàn và buộc phải chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân gây hiện tượng này là do hóa chất oxalat, một chất tự nhiên có trong trà hay rau chân vịt. Thông thường, oxalat không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng khi có quá nhiều oxalat trong cơ thể có thể dẫn đến tổn thương thận. Người đàn ông từ Arkansas đã tiêu thụ gấp 3-10 lần oxalate so với người Mỹ bình thường khi ông uống hơn 16 cốc (240ml/cốc) trà đá mỗi ngày. Theo Trường Y tế công cộng Harvard, Mỹ thì mức tiêu thụ trà an toàn là 4 cốc mỗi ngày.

Kem đánh răng

Vào đầu những năm 1990, trên nhãn thuốc đánh răng đều ghi cảnh báo “Không được nuốt. Chỉ sử dụng một lượng nhỏ cỡ hạt đậu cho trẻ em dưới 6 tuổi”. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không chắc chắn rằng cảnh báo này ngăn chặn được những nguy hiểm thực sự từ sử dụng quá nhiều kem đánh răng. Vì vậy, năm 1997, một cảnh báo ngộ độc đã được thêm vào các sản phẩm kem đánh răng chứa fluoride. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cũng như các nhà sản xuất kem đánh răng nghĩ rằng yêu cầu này là một phản ứng quá mức của FDA. Tuy nhiên, FDA cho rằng fluoride là một loại thuốc liên quan đến độc tính và do đó đòi hỏi một cảnh báo mạnh mẽ cho người tiêu dùng. Nếu nuốt một lượng lớn kem đánh răng không fluoride có thể chỉ dẫn đến một cơn đau dạ dày nhưng nuốt một lượng lớn kem đánh răng có chứa chất fluoride có thể gây tử vong. Trẻ em dễ bị nhiễm độc fluoride hơn bởi các bộ phận trong cơ thể còn quá nhỏ. Một týp kem đánh răng có chứa fluoride của trẻ em chứa lượng fluoride đủ để giết một em bé có trọng lượng dưới 30kg (66 lb). Nếu trẻ chỉ uống 3% týp kem đánh răng, trẻ sẽ vẫn bị nhiễm độc fluoride cấp tính, gây ra các triệu chứng giống cúm, chóng mặt và đau dạ dày.

Khế không tốt cho người mắc bệnh về thận.

Khế không tốt cho người mắc bệnh về thận.

Quả khế

Quả khế, một loại trái cây rất phổ biến được cảnh báo gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu ăn quá nhiều. Đối với những người có vấn đề về thận thì dù chỉ ăn một lượng nhỏ cũng có thể gây tổn thương thận. Nguyên nhân do trong khế có chứa loại độc tố có khả năng phá hoại hệ thống thận. Những người có thận khỏe mạnh thường có thể lọc độc tố mà không có ảnh hưởng xấu, nhưng bất cứ ai đang có tổn thương thận đều được cảnh báo không nên ăn loại trái cây này.

Triệu chứng khi bị ngộ độc khế bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, động kinh và nấc, đây là triệu chứng phổ biến nhất ở những trường hợp nhẹ. Các bác sĩ có thể điều trị các trường hợp nhiễm độc bằng phương pháp thẩm tách nhưng chức năng thận có thể không bao giờ trở lại bình thường.

Cam thảo đen

Cam thảo đen có thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người trên 40 tuổi. Đầu năm 2017, FDA đã ban hành một cảnh báo về những ảnh hưởng của việc tiêu thụ cam thảo đen với số lượng lớn hoặc thường xuyên sau khi nhận được báo cáo về một trường hợp bị nhịp tim bất thường do ăn nhiều kẹo dẻo. Cam thảo đen thường được sử dụng làm mùi vị của kẹo, nước ngọt, dược phẩm, thuốc lá... Nếu ăn khoảng 57 gram cam thảo màu đen mỗi ngày trong 2 tuần có thể gây ra vấn đề về tim. Cam thảo đen chứa glycyrrhizin, một hợp chất làm giảm lượng kali. Khi lượng kali giảm, con người có nguy cơ bị nhịp tim bất thường, huyết áp cao, thậm chí là suy tim sung huyết.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn