Thi thoảng uống một chút rượu cơ thể ít bị tác động xấu của aldehyt, ethanol và một số độc tố khác. Uống nhiều rượu trong thời gian dài kéo theo không ít hậu quả sức khỏe, xã hội và tâm lý nghiêm trọng.
Tàn phá hệ tim - mạch
Theo kết quả thống kê tại nhiều quốc gia, tùy thuộc vào mức độ nát rượu, từ 10-30% số nam giới là đệ tử ma men bị bệnh tăng huyết áp. Trong khi chứng tăng huyết áp là nhân tố nguy cơ chính xuất hiện tai biến mạch não và nhồi máu cơ tim.
Nghiện rượu là thủ phạm gây các bệnh cơ tim. Cùng thời gian dài uống rượu, các độc tố của ma men làm thui chột khả năng co bóp cơ tim, thoái hóa sợi cơ, gây nhiễm mỡ và phình to tim, cuối cùng đi đến kết cục suy tim.
Hủy hoại năng lực tình dục
Uống rượu thường xuyên và thậm chí “thi thoảng có dịp” có thể dẫn đến hội chứng liệt dương ở một bộ phận mày râu. Khoa học đã chứng minh, sự tăng độ cồn trong máu dẫn đến rối loạn cương dương, làm chậm thời gian phóng tinh và suy giảm cực khoái. Ngoài ra, giới nghiên cứu còn ghi nhận hiện tượng vô sinh ở nhiều đồ đệ ma men.
Uống nhiều rượu kéo theo nhiều hậu quả sức khỏe, xã hội và tâm lý nghiêm trọng.
Số đông phụ nữ nghiện rượu kêu ca về tình trạng suy giảm động lực tình dục, khô hạn âm đạo lúc “chiều chồng” và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Theo kết quả nghiên cứu, khả năng sinh nở của phụ nữ nát rượu bị suy giảm do số lần rụng trứng thưa dần trong khi số lần sẩy thai gia tăng. Ngoài ra, các chị đam mê ma men còn bị mãn kinh sớm hơn bình thường.
Ðầu độc hệ thần kinh
Tác hại của độc tố ethanol sẵn có trong rượu bộc lộ sớm và rõ ràng nhất trong hệ thần kinh. Tình trạng thiếu hụt vitamin (chủ yếu thuộc nhóm B) do rượu “ăn mòn” làm trầm trọng thêm những thay đổi bệnh lý thần kinh. Do tác động tiêu cực của rượu và những độc tố của nó gây biến đổi hoạt động và cấu trúc mạng thần kinh ngoại biên, đồ đệ ma men thường bị viêm đa thần kinh và dẫn đến tổn thương mạng thần kinh này.
Thường xuyên uống rượu có thể dẫn đến tổn thương do nhiễm độc bộ phận thần kinh thị giác. Biểu hiện qua rối loạn thị giác ở những mức độ khác nhau đến mù lòa.
Nát rượu còn có thể gây tổn thương não, dẫn đến trơ lì và suy giảm trí tuệ.
Phá hoại hệ tiêu hóa
Uống rượu hàng ngày, lâu dần dẫn đến tình trạng quanh năm viêm niêm mạc vòm miệng, niêm mạc thực quản, dạ dày và niêm mạc đại tràng, rối loạn nhu động thực quản và ruột, thui chột sự hấp thụ thức ăn. Rượu còn làm suy nhược van thực quản và xuất hiện chứng trào ngược dạ dày - thực quản...
Gan, cơ quan chuyển hóa phần lớn lượng rượu khi bị áp lực quá tải sẽ phản ứng bằng bệnh gan nhiễm mỡ (xảy ra với 90% bợm rượu), viêm gan, xơ hóa và cuối cùng xơ gan. Khoảng 80% các trường hợp người nát rượu đã bị viêm gan không cai rượu trạng thái gan xơ hóa sẽ chuyển thành xơ gan. 75% các trường hợp ung thư gan nguyên phát tiến triển trên nền xơ gan.
Xấp xỉ 65% các trường hợp viêm tụy cấp và mạn tính là hệ quả của lạm dụng rượu. Trường hợp viêm tụy nặng dễ dẫn đến kết cục xuất hiện bệnh đái tháo đường, bởi tiểu đảo Langerhans - tập hợp tế bào sản xuất insulin, điều hòa tiến trình biến đổi đường trong cơ thể bị phá hủy.
Rượu tàn phá hệ miễn dịch
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu xếp vị trí thứ ba trong các nhân tố nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Độc tố aldehyt xeton sẵn có trong rượu tàn phá hầu hết các mô và cơ quan nội tạng, thường xuyên sử dụng đồ uống này gắn với sự xuất hiện trên 60 chứng bệnh và chấn thương. Nghiện rượu kìm hãm các chức năng hệ miễn dịch gây hiệu ứng cơ thể dễ bị mắc các bệnh lây nhiễm như viêm phổi, lao phổi. Rượu làm thui chột năng lực của nhiều mô và bộ phận, trong đó có các tế bào lympho chuyên sản xuất kháng thể - lực lượng chính bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Rút ngắn tuổi thọ
Rượu là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm gia tăng nguy cơ tử vong trước tuổi 65 tại nhiều quốc gia. Nhìn chung những người nát rượu có tuổi thọ thấp hơn trung bình từ 10-22 năm so với bình thường. Xác suất tự tử của những người nghiện rượu cao hơn từ 3-9 lần so với người không nghiện.
(Theo abczdrowie.pl)