Lạm dụng rượu bia gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng, an toàn xã hội

22-04-2019 13:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức vào sáng nay 22/4.

Nội dung chính của Hội thảo là cung cấp các thông tin khoa học và bài học kinh nghiệm hữu ích từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho việc xây dựng Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam.

Lạm dụng đồ uống có cồn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng và trật tự, an toàn xã hội, được các chuyên gia đánh giá là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như ung thư, tim mạch, xơ gan và các rối loạn tâm thần… Chi phí do lạm dụng đồ uống có cồn cũng tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách của nhiều quốc gia.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện mới của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn cho biết: tại Việt Nam, sản lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sản xuất gia tăng nhanh qua các năm trong khi thế giới đang giảm dần. Theo đó, năm 2015, Việt Nam sản xuất 3.4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp vả khoảng 250 triệu thủ công.

“Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng  rượu, bia đều ở mức cao. Trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề đáng báo động. Việc sử dụng rượu, bia không phù hợp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng”, ông Sơn cho biết.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Đồng quan điểm này, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện mới của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, rượu bia gây ra đột quỵ, suy tim, các bệnh lý tăng huyết áp và phình động mạch chủ, tổn thương gan, xơ gan dẫn đến viêm gan, viêm tụy cấp, mãn tính…

Rượu bia còn gây ra những bệnh tật đường miệng như hạ hầu, hầu họng, ung thư thanh quản, thực quản, tuyến mật trong gan, ung thư vú ở phụ nữ.

TS Kidong Park nhấn mạnh.“Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, do sự phối hợp các hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ lụy hung hăng, bạo lực.”.

Đại diện WHO cho biết, Tổ chức này hết sức “quan ngại về mô hình sử dụng rượu bia và hệ quả tiêu cực. Theo đó, thanh niên Việt Nam uống rượu bia nhiều. Người trưởng thành Việt Nam tiêu thụ 8,3 lít cồn (470 chai bia)/ năm 2016 trong khi đó, việc tiêu dùng rượu bia ở Tây Thái Bình Dương chỉ là 1,3 lít/năm.

“Nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại-  đó là uống rượu bia quá độ. Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam  dẫn đến 79 nghìn ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia”, TS Kidong Park nhấn mạnh.

Đáng lo ngại, TS Kidong Park cho rằng, vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng, người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. “Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Theo đó, 330ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là có 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, tương tự khi ta uống 1 chén rượu mạnh (30ml). Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu bia trên các loại hình đồ uống”, TS Kidong Park nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg  ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. “Tuy nhiên, đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao”, ông Sơn bày tỏ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF, UNDP, SHORE, CANADA,... đã đưa ra những khuyến nghị về xây dựng chính sách đối với Việt Nam dựa trên Chiến lược toàn cầu về phòng chống tác hại và lạm dụng rượu, bia; tác động của tiếp thị rượu bia đến việc tiêu dùng của giới trẻ; Một số khó khăn, trở ngại trong việc xây dựng chính sách liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia; cung cấp các bằng chứng, chia sẻ các bài học kinh nghiệm quốc tế và đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam trong phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã cho thấy tầm quan trọng và sự hiệu quả của việc xây dựng và thực thi các chính sách kiểm soát sự sẵn có của đồ uống có cồn (quy định điểm bán, giờ bán và cấp phép), chính sách về thuế và chính sách kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất các hoạt động để triển khai thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.


Tại Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu bia đứng thứ 3 châu Á, và đứng thứ 64 thế giới năm 2016. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam là 4,006 tỷ lít, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới. Và dự báo đến năm 2025, mức độ tiêu thụ bình quân sẽ là 7 lít/ người/năm.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam luôn ở trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hàng năm cao nhất thế giới. Đáng chú ý, trong số nam giới uống rượu, bia thì có ¼ số người uống ở mức có hại và tuổi bắt đầu uống rượu, bia có xu hướng trẻ hóa.

Vì vậy hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn là hết sức cần thiết. Theo các chuyên gia, sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng mạnh qua các năm nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ kịp thời để điều chỉnh.





Lê Mai
Ý kiến của bạn