Thuốc paracetamol (acetaminophen) được dùng rất phổ biến để giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, nếu bạn lạm dụng thuốc này có thể sẽ bị tổn thương gan nặng.
Paracetamol phá hủy tế bào gan như thế nào?
Hầu hết các chất tiêu thụ qua đường ăn uống đều được gan xử lý khử độc, trong đó có cả paracetamol (acetaminophen). Gan sẽ chuyển hóa paracetamol tạo thành những alkyl rất nhỏ là N-acetyl-p-benzoquinone imine (NAPQI) mang độc tính. Với một lượng nhỏ chất này thì gan có thể dễ dàng giải độc NAPQI. Do chất này bị khử độc bằng cách liên kết bền vững với các nhóm sulfhydryl của glutathione hay sự kiểm soát của một hợp chất sulfhydryl như N-acetylcysteine, để tạo ra các phức hợp không độc và được thải trừ qua thận. Nhưng nếu dùng liều cao hoặc kéo dài paracetamol thì nồng độ NAPQI trong gan tăng lên, cơ thể không kịp khử độc gây tổn thương nặng cho các tế bào gan.
Dấu hiệu tổn thương gan: Nếu tổn thương gan do paracetamol giai đoạn đầu có thể không phát hiện được vì các dấu hiệu rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn sang các bệnh khác. Tuy nhiên, khi tổn thương gan nhiều sẽ hiện diện các dấu hiệu sau đây: ăn không ngon, do sự thèm ăn giảm đi rõ rệt, dẫn đến giảm cân; buồn nôn và nôn; đau bụng; tiêu chảy; vàng da có thể kèm vàng mắt. Về tinh thần: hay cáu kỉnh, chán nản, lo lắng...
Các trường hợp dùng sai thuốc paracetamol: Các trường hợp dùng sai thường gặp là: Uống liều cao quá 1 gam một lần; uống thuốc với rượu (một lượng rượu vừa phải cũng có thể tàn phá tế bào gan, khi rượu kết hợp với các chất gây hại cho gan khác như paracetamol thì tổn thương gan nặng là đương nhiên); dùng liều nhỏ paracetamol nhưng dùng với thời gian dài...
Lạm dụng paracetamol rất dễ bị tổn thương gan.
Cách sử dụng đúng thuốc paracetamol
Bạn nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn được ghi trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không bao giờ uống thuốc quá liều so với quy định, liều tối đa cho người lớn là 4g/ngày. Khi sử dụng thuốc cho trẻ em, chỉ nên dùng loại thuốc paracetamol dành cho trẻ em, thận trọng cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc dạng lỏng thì cần dùng dụng cụ đo chuyên dụng, không được sử dụng thìa cà phê hoặc thìa nấu ăn để đo và phải lắc đều thuốc trước mỗi lần sử dụng. Khi sử dụng thuốc dạng sủi bọt hãy hòa tan 1 viên thuốc hoặc gói thuốc trong nước, khuấy đều hỗn hợp và uống hết ngay. Riêng dạng thuốc paracetamol đặt hậu môn không được uống và trước khi đặt thuốc nên rửa tay thật sạch, cần đi tiêu đi tiểu rồi mới đặt thuốc để có kết quả tốt nhất.
Ngưng sử dụng thuốc trong các trường hợp: Vẫn bị sốt sau 3 ngày sử dụng, vẫn bị đau sau 5-7 ngày điều trị, cơ thể xuất hiện những biểu hiện lạ, các triệu chứng bệnh ngày càng nặng.
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh ẩm. Riêng thuốc đặt hậu môn cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc được bảo quản trong tủ lạnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Một vài chú ý
Do paracetamol có mặt trong nhiều sản phẩm có tên gọi khác nhau, nên trước khi sử dụng cần đọc kỹ nhãn thuốc để tránh dùng nhiều sản phẩm có chứa cùng hoạt chất paracetamol gây quá liều. Khi sử dụng thuốc nên tránh uống rượu, các chất có cồn hoặc chất kích thích.
Một số thuốc xảy ra tương tác nếu kết hợp cùng với paracetamol: thuốc chống trầm cảm amitriptyline, thuốc trị tăng huyết áp amlodipine, thuốc kháng sinh amoxicillin, thuốc trị mỡ máu atorvastatin, caffeine... Paracetamol tương tác với rượu (ethanol) có thể gây ra các phản ứng tương đối nghiêm trọng. Do đó, bạn cần đến ngay bệnh viện nếu gặp phải các triệu chứng: sốt, ớn lạnh, đau khớp, sưng, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn... Người nghiện rượu khi uống thuốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, gây tổn thương gan dẫn đến suy gan cấp và có thể gây tử vong, vì vậy cần thận trọng khi dùng paracetamol.