TPCN là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. TPCN được bày bán với hai loại: loại trông như thuốc và loại trông như thực phẩm. Ta cần biết nước uống thực phẩm bổ sung là gì và uống bao nhiêu là đủ?
Thế nào là nước uống thực phẩm bổ sung?
Nước đóng chai hiện nay tựu trung có ba loại được dùng nhiều: nước uống giải khát có gas hoặc không có gas; nước uống tăng lực và nước uống thực phẩm bổ sung. Phân loại như thế là dựa vào thành phần có trong nước uống. Nước uống giải khát ngọt thì chứa đường và phụ gia hương vị. Còn nước tăng lực, mỗi nhãn hiệu có công thức “bí quyết” riêng, nhưng thành phần thường chứa rất nhiều đường (sẽ chuyển hóa thành glucose cung cấp năng lượng), kế đó là caffeine, inositol, taurine, adenosine, một số loại vitamin, màu thực phẩm, chất bảo quản... Riêng nước uống thực phẩm bổ sung thì ngoài chứa đường, hương vị đặc biệt, còn chứa thêm chất dinh dưỡng như sữa, nước cốt trái cây và các chất dinh dưỡng như các loại vitamin, các chất khoáng, các acid amin (thành phần cơ bản của chất đạm)...
Nhiều nguy hiểm khi người tập thể hình lạm dụng thực phẩm chức năng.
Đối với nước ngọt giải khát và nước tăng lực người ta luôn cảnh giác, vì chúng không phải thực phẩm bổ dưỡng, chúng không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà chỉ chứa lượng đường rất cao. Còn đối với nước uống thực phẩm bổ sung, nhiều người còn thiếu cảnh giác vì thấy chúng có chứa các chất dinh dưỡng.
Gọi là nước uống thực phẩm bổ sung bởi vì loại nước này chứa những chất có tác dụng của một chế phẩm “thực phẩm bổ sung”. Tên gọi này xuất phát từ tiếng Anh “dietary supplement” là thuật ngữ được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Mỹ (FDA) và nhiều nước khác trên thế giới sử dụng, ở ta còn được gọi “hỗ trợ dinh dưỡng” hoặc “thực phẩm chức năng”. Nhưng tên gọi “thực phẩm chức năng” (TPCN) được dùng phổ biến hơn cả.
Có loại TPCN được bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Lấy ví dụ sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó là thuốc, phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN thì chế phẩm vitamin và chất khoáng được đăng ký như một thực phẩm, khi đó gọi là TPCN. Trên nhãn, bao bì của TPCN, mặc dù được bày bán tại các nhà thuốc nhưng bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”. Ngoài ra, trên thị trường còn có loại TPCN chính là thực phẩm, như loại nước uống thực phẩm bổ sung được đề cập trong bài này.
Không nên lạm dụng nước uống thực phẩm bổ sung
Nhiều loại nước uống thực phẩm bổ sung chứa lượng quá cao đường. Một số người uống nhiều nước loại này chứa nhiều đường mà vẫn ăn nhiều sẽ có nhiều nguy cơ bị béo phì hay bị tiền đái tháo đường (rất dễ chuyển thành đái tháo đường).
Nhiều loại nước uống thực phẩm bổ sung chứa vitamin, chất khoáng, acid amin, thậm chí chứa thêm sữa, nước trái cây, nhưng chúng hoàn toàn không thay thế được thức ăn, thức uống, bắt buộc người ta vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh việc dùng chế phẩm. Nếu điều kiện tài chính không cho phép, thay vì mua loại nước uống này dùng nên tập trung tiền mua thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt tăng cường trái cây, rau quả (được xem là nguồn vitamin thiên nhiên và chất khoáng vi lượng rất tốt). Có tình trạng đáng buồn ở các nước đang phát triển như nước ta là có một số bà mẹ quan tâm, tiêu tốn nhiều tiền cho con mình uống những gì mà họ ví như thuốc bổ nhưng lại quên cho chúng ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, hậu quả là trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng.
Đối với trẻ con, uống nhiều nước uống thực phẩm bổ sung hoàn toàn không có lợi. Nước uống có hàm lượng đường cao khiến trẻ uống nhiều luôn cảm thấy no, chán ăn không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu trong các bữa ăn cần thiết.
Nếu người tập thể dục thể thao loại nặng mà chỉ uống nước thực phẩm bổ sung loại không phù hợp để bù nước và chất điện giải thì thật là không có lợi. Vì loại nước này hoàn toàn không có tác dụng bù nước (có khi chứa quá nhiều đường lại không chứa đủ lượng nước mà cơ thể mất nước cần), cũng như nước không chứa đủ chất điện giải (natri, kali...) để bù.