Lạm dụng lưu huỳnh để bảo quản Đông dược: Không điếc vẫn không sợ “súng”

09-02-2010 08:10 | Thời sự
google news

Những ngày cuối năm, mưa phùn không dứt, đường sá nhá nhớt, bẩn thỉu. Không khí ẩm ướt, ngột ngạt khiến ai cũng có cảm giác khó chịu.

Những ngày cuối năm, mưa phùn không dứt, đường sá nhá nhớt, bẩn thỉu. Không khí ẩm ướt, ngột ngạt khiến ai cũng có cảm giác khó chịu. Cư dân khu xóm 8 thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội còn phải chịu thêm bầu không khí đặc sệt mùi... thuốc súng !

Bảo quản dược liệu bằng lưu huỳnh, lâu nay vẫn vậy

Con đường dẫn tới xã Ninh Hiệp, nơi được coi là một trong những nơi cung cấp nguồn thuốc đông dược cho địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, càng đi vào sâu mùi thơm các loại thuốc đông dược càng đậm. Mùi nồng nồng, ngai ngái sực vào mũi làm tôi rùng mình. Dừng trước một xưởng chế thuốc, đập vào mắt tôi là những bao tải thuốc được chất đống giữa sân, cao ngập cổ. Mưa vậy mà chúng chỉ được đậy sơ sài bởi vài mảnh nilong mỏng tang, thủng lỗ chỗ. Bên dưới , đống rễ cây cam thảo chưa được cắt  bị giẫm nhầy nhụa. Bà chủ quê gốc Phú Thọ lấy chồng chuyển về đây và làm nghề  này hơn 20 năm. Khi tôi nói ý định của tôi là muốn nhập nguồn thuốc để mang về bán lẻ thì chị đồng ý ngay. Chị bảo đảm với tôi: Nguồn thuốc mà xưởng chị chế biến có thể để tới 4 năm mà không bị mốc.

 Nhiều cơ sở sản xuất Đông dược lạm dụng lưu huỳnh trong chế biến và bảo quản

Chị chỉ tay ra phía ngoài đường, chỗ mấy ụ cót nói: Đây là công nghệ hấp sấy bảo quản thuốc tốt nhất ở đây đấy. Xông thuốc bằng lưu huỳnh!

Bà chủ cơ sở giảng giải cho tôi về cách thức sấy: Thường có hai cách làm, có thể ủ trực tiếp lưu huỳnh vào thuốc. Hơi lưu huỳnh sẽ có tác dụng diệt khuẩn, chống ẩm mốc -phương pháp này có nhược điểm là mỗi lần ủ xong lại mất công rải thuốc tìm những hạt lưu huỳnh còn sót lại bám vào thuốc. Cách thứ hai mà cả xóm đều làm là... hun. Người ta đựng lưu huỳnh vào bát hoặc khay, châm lửa đốt  sau đó dùng tấm cót cao chừng 1,5m quây kín. Thuốc được rải lên một tấm lưới thép mắt nhỏ và phía trên đậy kín lại bằng tấm nilong. Khí cháy từ lưu huỳnh sẽ bốc lên làm khô thuốc. Thuốc sẽ cứng hơn và có màu khá bắt mắt. Khi được hỏi, lưu huỳnh nếu đốt cháy sẽ tạo ra khí độc dễ ngấm vào thuốc, ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp? Chị tặc lưỡi: Chẳng làm sao cả, mãi nó cũng bay hết mùi mà. Ở xóm này nhà nào làm nghề này cũng có vài tạ lưu huỳnh ở trong nhà. Chị không quên hất hàm ra phía đằng sau nhà nói: Chị vừa nhập thêm 3 tạ nữa chuẩn bị cho Tết. Mùa này mưa nhiều, không khí ẩm thấp nên thuốc dễ mốc, phải dùng nó để bảo quản thuốc thôi.

 Đông dược được xông lưu huỳnh giữa đường làng.

Xin... đừng đốt nhiều!

Những hộ dân sống gần các cơ sở chế biến dược liệu này mỗi lần đi qua chỗ xông, họ chị còn nước là nhịn thở và bước thật nhanh. Nhưng khốn nỗi cả xóm có gần 500 hộ thì quá nửa là làm thuốc. Gặp phải thời tiết ẩm ướt như mấy ngày nay thì ôi thôi... bắc thang mà hỏi ông giời.

Theo ông Trần Minh Tuấn, 58 tuổi, người xóm 6, Ninh Hiệp thì khổ  nhất là bọn trẻ phải thường xuyên hít phải khí độc này. Đứa cháu ông 8 tuổi suốt ngày hắt hơi, sổ mũi. Thỉnh thoảng đang ăn cơm bỗng nôn thốc nôn tháo vì nhà bên... hun thuốc. Con dâu ông bị bệnh đau đầu kinh niên vì hít loại khí này.

Chị Nguyễn Thị T. cùng xóm với ông Tuấn tâm sự. Chị làm việc cho một cơ sở chế biến thuốc gần 3 năm cũng  nhiều lần bị nôn khi phải sấy thuốc bằng lưu huỳnh. Chị nhìn xuống cái thai trong bụng đang lớn dần, tay xoa xoa vào đó nói như phân trần. “Em bị sảy thai một lần không biết lần này thế nào. Em sợ làm trong môi trường như vậy không biết có bị ảnh hưởng?”.

Đem vấn đề này trao đổi với trưởng thôn xóm 8 thì được biết: Cũng có cơ quan chức năng ở Hà Nội về kiểm tra lấy mẫu đi xét nghiệm nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức về mức độ nhiễm độc. Mặt khác, dùng lưu huỳnh để xông thuốc vốn có từ lâu rồi, cha truyền con nối khó bỏ lắm.

Một giáo viên trường tiểu học đóng trên địa bàn bức xúc: "Các hộ kinh doanh chỉ nghĩ đến quyền lợi cho riêng họ mà không có ý thức cộng đồng. Họ ngang nhiên chiếm dụng lòng đường, ngang nhiên thải khí độc mà chẳng chịu một hình thức xử phạt nào. Nhiều học sinh đi qua đoạn đường nồng nặc khói đó đến lớp như người mất hồn. Họ có biết đang đầu độc chính con em họ".

Nguyễn Hậu


Ý kiến của bạn