Theo BS. Chanu Rhee, Trường Y khoa Harvard và Bệnh viện Brigham And Women, Hoa Kỳ, những lý do dẫn đến tỷ lệ tử vong cao bao gồm kháng sinh có độc tính cao, suy thận, nhiễm C. difficile và loạn khuẩn ruột; nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát với chủng đề kháng kháng sinh cao hơn.
TS. Rhee và cộng sự đã nghiên cứu trên hơn 17.000 người trưởng thành có nhiễm khuẩn huyết cộng đồng. Trong đó, bệnh nhân nhiễm khuẩn kháng thuốc có tỷ lệ bệnh mắc kèm, viêm phổi, cấy vi khuẩn hô hấp dương tính, cần dùng thuốc vận mạch, thở máy, nhập điều trị tích cực (ICU) và tử vong trong bệnh viện cao hơn so với nhóm không nhiễm khuẩn kháng thuốc.
Bệnh nhân được phân tích trong các nhóm sử dụng kháng sinh hợp lý, không hợp lý (kháng sinh kinh nghiệm có phổ không phù hợp với đích vi khuẩn) và không cần thiết (kháng sinh kinh nghiệm nhắm vào vi khuẩn kháng thuốc trong khi không phân lập được các vi khuẩn này). Các vi khuẩn kháng thuốc không phổ biến gồm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA); vi khuẩn gram âm kháng ceftriaxon (CTX-RO); cầu khuẩn ruột kháng vancomycin (VRE) và vi khuẩn kháng beta-lactamase phổ rộng (ESBLs). Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong cao hơn ở các nhóm dùng kháng sinh không phù hợp (OR=1,19) và không cần thiết (OR=1,22).
Các tác giả kết luận, cần có các xét nghiệm giúp nhanh chóng xác định sự có mặt của vi khuẩn kháng thuốc và sử dụng kháng sinh phổ rộng hợp lý hơn trong điều trị nhiễm khuẩn huyết theo kinh nghiệm. TS. Gopi Patel, Phó Giáo sư về bệnh truyền nhiễm, Trường Y khoa Icahn, Mount Sinai, New York, Hoa Kỳ cho rằng những phát hiện này cung cấp một lý do để tạm dừng và đánh giá lại thực hành, đặc biệt là ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết không có bằng chứng sốc nhiễm khuẩn. Chẩn đoán nhanh là chìa khóa, khi xác định được nguyên nhân của nhiễm khuẩn huyết, các bác sĩ có thể điều trị tốt hơn và gây ra ít nhất các tổn hại ngoài ý muốn.