Lạm dụng kháng sinh: Hiểm họa kháng thuốc cận kề

24-06-2015 22:42 | Thời sự

SKĐS - Kháng thuốc là mối đe doạ nghiêm trọng và thầm lặng, tạo ra bởi con người và giải pháp cũng chính con người đưa ra. Để đẩy mạnh công cuộc phòng chống kháng thuốc, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ký cam kết về phòng chống kháng thuốc.

 

Ngày 24/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận về hợp tác, cam kết và phối hợp hành động để phòng, chống kháng thuốc tại Việt.

Ngay sau đó, hội nghị về vấn đề kháng thuốc cũng được tổ chức nhằm đẩy mạnh hành động trong việc phòng, chống kháng thuốc cho cộng đồng

Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh

Lần đầu tiên Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức lễ ký kết văn bản thỏa thuận về phòng, chống kháng thuốc với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như WHO, FAO, CDC, Đại sứ Mỹ, Đại sứ Anh...

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra thông tin: Hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, vì thế việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh.

Bộ trưởng  Nguyễn Thi Kim Tiến cùng các đồng chí Thứ trưởng các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các quan khách tham gia, chứng kiến lễ ký kết
Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến cùng các đồng chí Thứ trưởng các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các quan khách tham gia, chứng kiến lễ ký kết

Song việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng; chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm: “Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Đó là: Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; Tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; Tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kháng sinh ra đời là bước ngoặc trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên việc sử dụng loại "vũ khí" này không thích hợp, lạm dụng, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là đối với các vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng cao. Nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng.

Theo ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng kháng thuốc mở rộng nhiều năm nay. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổ biến trước có thể điều trị dễ dàng bằng kháng sinh thì giờ đây lại đe dọa tính mạng. Sự phát triển của kháng thuốc nhanh hơn sự phát triển của thuốc mới. Chúng ta có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh

Báo động tình trạng kháng thuốc

Kháng sinh không chỉ sử dụng cho con người mà cả trong chăn nuôi- điều trị vật nuôi bị ốm, điều trị dự phòng, kích thích tăng trưởng. Tình trạng này khiến tình trạng kháng thuốc ở các nước đang phát triển, gồm cả Việt Nam ở mức báo động.

“Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong nông nghiệp nhằm kích thích tăng trưởng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản”- ông Tô Văn Tám- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra thông tin.

Một khảo sát năm 2010 về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Có đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn. Loại thuốc này đóng góp đến gần 14% ở thành thị và khoảng 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho- tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới (WHO) mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy trong số 10 loại thuốc được dùng biến nhất thì tỷ lệ tiêu dùng kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm trong đầu danh sách. Nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng

Sử dụng kháng sinh bừa bãi- hiểm họa khôn lường cho sức khỏe

Sử dụng kháng sinh bừa bãi- hiểm họa khôn lường cho sức khỏe

. Theo các chuyên gia, tình trạng kháng thuốc đặc biệt ở các nước đang phát triển đang ở mức báo động. Nếu không giả quyết bây giờ thì trong tương lại nhiều bệnh nhiễm khuẩn không điều trị được, các phẫu thuật sẽ nguy hiểm hơn. Chi phí thiết hại do kháng thuốc ước tính là 100.000 tỷ đô la, 10 triệu người có thể chết từ thời điểm này đến lúc chúng ta không có biện pháp hành động kiên quyết hơn. Tuy nhiên, kháng thuốc là mối đe doạ nghiêm trọng và thầm lặng, tạo ra bởi con người và giải pháp cũng chính con người đưa ra.

Thái Bình

 

rạng kháng thuốc


Ý kiến của bạn