Hà Nội

Lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi: SOS!

18-03-2016 07:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Hội nghị Tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra mới đây, con số được cơ quan chức năng công bố đã phát hiện có 326/6.166 mẫu rau quả...

Tại Hội nghị Tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra mới đây, con số được cơ quan chức năng công bố đã phát hiện có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép... cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi đã đến mức báo động.

Đáng báo động!

Khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu đời sống con người cũng cao hơn, trong đó chất lượng bữa ăn và ATTP chiếm một vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (KD) nói chung và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại; như việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo; tình trạng sử dụng các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi khá tùy tiện. Từ đó đã để lại tồn dư các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thanh tra Bộ NN&PTNT và công an phát hiện Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương) sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.         Ảnh T.X

Nhằm mục đích hạn chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi sinh vật và làm chậm những biến đổi hóa học trong bảo quản thủy sản, hóa chất bảo quản được thêm vào để duy trì độ tươi, kéo dài thời gian bảo quản và tăng giá trị cảm quan cho người tiêu dùng. Một số cơ sở thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản đã sử dụng các hóa chất cấm để bảo quản nguyên liệu thủy sản, vì việc sử dụng các hóa chất này đơn giản, dễ làm, làm tăng lợi nhuận cho việc KD. Tuy nhiên, vì những hóa chất này cũng có những tác hại nhất định nên chỉ được phép sử dụng với một nồng độ rất hạn chế hoặc không được phép sử dụng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã vô tình không biết hay cố tình lờ đi, điều này đã dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe người tiêu dùng trước mắt cũng như lâu dài.

Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT): “Việc kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm tại các địa phương còn rất hạn chế. Tỷ lệ mẫu tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và vượt ngưỡng cho phép trong thủy sản nuôi tăng so với 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi đã đến mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cũng như khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh trong xuất khẩu”.

Vì vậy, để phát huy công dụng và hạn chế tác hại của phụ gia thực phẩm, các cơ sở sản xuất KD thủy sản cần chọn phụ gia có trong danh mục cho phép sử dụng, đồng thời sử dụng đúng đối tượng thực phẩm và liều lượng không vượt giới hạn an toàn cho phép; bảo quản phù hợp và pha chế đúng cách; bao bì phải ghi rõ nội dung theo quy định. Đối với người tiêu dùng, nên lựa chọn các cơ sở mua bán thủy hải sản có uy tín. Tốt nhất hãy sử dụng thủy sản tươi sống, không nên sử dụng sản phẩm thủy sản có hóa chất bảo quản mà không rõ nguồn gốc.

Quyết liệt ngăn chặn từ gốc

Số liệu thống kê cho thấy tình trạng sử dụng kháng sinh cấm và lạm dụng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi trồng thủy hải sản chưa được kiểm soát triệt để. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu thụ kháng sinh bất đắc dĩ qua thực phẩm hàng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể.

Theo BS. Trần Văn Dũng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, phần lớn kháng sinh không phân hủy được trong môi trường nhiệt độ như nấu nướng, số ít có thể bị phân hủy nhưng tỷ lệ không đáng kể. Người thường xuyên dùng sản phẩm gia súc gia cầm bị nhiễm kháng sinh sẽ rất dễ bị nhờn thuốc (cơ thể sẽ tạo ra sự kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh) và khi con người bị nhiễm bệnh sẽ làm cho khả năng chữa trị khó, kéo dài thời gian và phức tạp hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Ngoài chất cấm trong chăn nuôi, việc kiểm soát tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản còn phức tạp hơn cả chất cấm. Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, cần phải triệt phá tận gốc vấn đề sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Giám sát tại lò mổ, trang trại chỉ là phần ngọn. Phải xử lý triệt để việc buôn bán, sử dụng chất cấm, kháng sinh trái phép trong chăn nuôi. Toàn ngành nông nghiệp phải xác định tăng cường bảo đảm ATVSTP là mục tiêu ưu tiên số 1.

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT xác định, tiếp tục đưa kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi vào chương trình trọng điểm, đồng thời kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả... cũng là những việc được lưu ý. Phải được chuyển biến mạnh mẽ trong 4 tháng tới - đó là cam kết của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Hy vọng với sự quyết liệt của ngành nông nghiệp, hơn lúc nào hết, để khắc phục phần nào vấn đề mất vệ sinh ATTP trong chăn nuôi, cần phải thực hiện tốt những biện pháp đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, KD, người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Làm thế nào để đảm bảo sức khỏe cho chính chúng ta và cả con cháu mai sau.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn