Kỳ 1: Phát hoảng với những “tác phẩm” làm đẹp của thẩm mỹ vườn
Kỳ 2: Xăm môi, nhấn mí tại nhà đừng “gửi trứng cho ác”
Kỳ 3: Bác sĩ Da liễu: Xăm môi thẩm mỹ “vườn” dễ rước bệnh HIV, viêm gan B
PGS.TS.BS. Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ (BV. Chợ Rẫy) cảnh báo, người muốn phẫu thuật thẩm mỹ hiện gặp nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết từ những “tham lam” và những lời chào mời rất “siêu thị”. Dễ tiếp cận thị trường thẩm mỹ tràn lan càng làm tăng nguy cơ tiềm ẩn đối với bệnh nhân.
- Hơn 10.000 cơ sở lớn nhỏ chăm sóc da và thủ thuật gây chảy máu tràn lan ở các con hẻm và đường phố nhỏ.
- Hiện nay, số ca phẫu thuật thẩm mỹ cần chỉnh sửa lần hai, lần ba tăng lên rất nhiều. Theo một ghi nhận của PGS.TS.BS. Lê Hành - Chủ tịch hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM, số ca biến chứng nâng mũi tăng khoảng 5% mỗi năm. Nhưng chỉ riêng 6 tháng năm 2017, biến chứng này đã tăng 35% so với 30% (2016).
Biến chứng sẹo lồi sau xỏ lỗ tai
Từ những thao tác đơn giản
Khoa Tạo hình Thẩm mỹ (BV. Chợ Rẫy) vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhân nữ 35 tuổi sẹo lồi ở tai sau khi… bấm lỗ tai ở chợ.
BS. Quang Hùng cho biết: “Bây giờ cứ có tiền là người ta làm, mà không hiểu rằng những kỹ thuật gây chảy máu cũng có thể gây ra những biến chứng không ngờ được. Điển hình như trường hợp này là biến chứng xỏ lỗ tai. Xỏ lỗ tai nếu gặp nhiễm trùng, 100% bệnh nhân sẽ bị sẹo lồi. Nguy cơ nhiễm trùng rất dễ gặp, khi ở bên ngoài không có sát khuẩn, hay bất cứ một khâu vô trùng nào. Họ có thể bấm lỗ tai tại một tiệm vàng, tại những quầy bán bông tai giả, ngoài chợ…”.
Xỏ lỗ ngay dái tai ở những em bé nhỏ chừng 10 - 11 tuổi hoàn toàn không sao. Nhưng với những người trưởng thành, thích xỏ lỗ ngay vùng có sụn, có thể dẫn đến nhiễm trùng sụn, viêm mạn tính kéo dài dẫn đến bao xơ và sẹo lồi. BS. Quang Hùng giải thích thêm, “Từ một cái lỗ xỏ lỗ tai nhỏ tưởng chừng như đơn giản, chúng tôi gần như phải tiến hành phẫu thuật lại, cắt bỏ toàn bộ vùng sẹo, cắt bỏ phần mô xơ do bị viêm mạn tính, cố gắng giữ lại hình dáng tai bình thường”.
Đến… làm đẹp bằng tế bào gốc xách tay
Cho đến những công nghệ làm đẹp nghe có vẻ cao cấp hơn, tế bào gốc. Không phải bác sĩ nào cũng hiểu được, đặc biệt là bác sĩ không ở trong nghề thẩm mỹ hay bác sĩ chuyên tu hoặc nhiều người trong số họ “cố tình” không hiểu tế bào gốc là gì, tế bào gốc từ đâu ra. Nên đôi khi, họ bị “lừa”.
“Hàng xách tay về làm gì có tế bào gốc. Hiện nay, tế bào gốc chỉ từ mỡ hoặc từ cuống dây rốn hoặc lấy từ máu. Muốn có tế bào gốc, chúng ta còn cần một bộ kit, công nghệ cao. Không phải ai cũng có thể làm được hoặc “sản xuất đại trà” tế bào gốc. Tại BV. Chợ Rẫy, hiện nay chúng tôi nghiên cứu tế bào gốc từ máu, mỡ. Trong khi đó, nhu cầu có thật, không ít khách hàng đến gặp tôi hỏi bác sĩ có tế bào gốc để chích không”, BS. Quang Hùng cho biết.
Chích filler
Trong khi đó, trên thị trường hiện nay có hàng trăm sản phẩm filler tiêm chích vào da mặt. Nhiều quảng cáo tràn lan vô tội vạ như “tiêm cằm 1,5cc” với giá 2 triệu đồng nhưng chẳng ai biết là chất gì, cũng không phải bác sĩ chuyên ngành thực hiện. Trong khi đó 1cc thường dùng trong thẩm mỹ chính thống có giá đến 5 triệu đồng.
Những quảng cáo liên quan đến lĩnh vực can thiệp thẩm mỹ như vậy vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Sử dụng các chất làm đầy trong làm đẹp hiện nay cũng phổ biến như nâng ngực, sửa mũi. Các chất làm đầy hay còn gọi là filler có thể được tiêm mà không cần toa bác sĩ bởi bất cứ ai, bất cứ nơi nào - cho dù họ có được đào tạo chuyên môn hay không. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, nhiều bằng chứng y khoa cho thấy lạm dụng các chất làm đầy, tiêm không đúng kỹ thuật có thể gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe bao gồm mù mắt, sụp mặt, mụn rộp, bệnh thấp khớp...
Người đi làm đẹp cần phải hiểu rõ mình sẽ phải đối mặt với những nguy hiểm như thế nào?
PGS.TS.BS. Lê Hành:
Tai biến, biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ có thể chia ra làm nhiều loại. Một, tai biến chung của mọi loại phẫu thuật có thể rất nặng nề, ví dụ: tai biến của gây mê (sốc thuốc phản vệ), trúng độc thuốc tê - thuốc mê, tai biến về đường thở, chảy máu, nhiễm trùng, thuyên tắc phổi - não do huyết khối… Hai, tai biến do cơ địa, do những bệnh tiềm tàng có sẵn trên người bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch… Ba, tai biến hay biến chứng của chính phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, gây biến dạng phần cơ thể được sửa chữa, tuy không ảnh hưởng đến sinh mạng nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, khả năng làm việc cũng như hạnh phúc của bệnh nhân. Tai biến này thường phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ thực hiện một thủ thuật hay phẫu thuật quá khả năng về chuyên môn, chưa được đào tạo hay thiếu kinh nghiệm.
Carol Bryan, một phụ nữ Mỹ ở Florida, Mỹ bị mù mắt trái do biến chứng tiêm filler
Khách hàng muốn làm đẹp có cách nào để phòng ngừa được những tai biến ông vừa kể trên?
PGS.TS.BS. Lê Hành:
Tai biến nặng nề, có thể gây chết người thường do được thực hiện ở một nơi không an toàn, không đủ phương tiện cấp cứu. Tai biến thường xảy ra ở những người có bệnh tiềm ẩn và nặng như: cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, máu loãng, cơ địa dị ứng với thuốc… mà phẫu thuật thẩm mỹ là cơ hội để bùng phát. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật thẩm mỹ trên những bệnh nhân kèm theo bệnh nhưng được chuẩn bị đầy đủ thường ít xảy ra tai biến. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho chính mình, giảm nguy hiểm đi một nửa, bệnh nhân phải hiểu rõ tật bệnh của mình và khai rõ cho bác sĩ biết; bệnh nhân có những mong ước cụ thể, khả thi; và bệnh nhân phải tuân thủ quy trình phẫu thủ thuật. Đặc biệt, người đi làm đẹp cần đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có giấy phép hoạt động, được nhà nước công nhận, trang thiết bị được thẩm định, cơ sở không làm quá phạm vi chuyên môn cho phép.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở không an toàn, liên quan đến việc dùng kháng sinh dài ngày, thậm chí nhiều bệnh nhân sau khi làm đẹp cần phải phẫu thuật lại để cắt bỏ mô bị hoại tử và thoát dịch.
Bên cạnh đó, bác sĩ phải tư vấn và đồng thuận với bệnh nhân về mục đích sau cùng của phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải được thực hiện các tiền phẫu thông thường hoặc xét nghiệm tiền phẫu đặc biệt tùy thuộc vào bệnh căn, bệnh sử của bệnh nhân.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.
Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.
Mời bạn đọc đón xem kỳ 5:
Kinh hoàng ổ mủ trên mũi thiếu nữ sau khi tiêm filler làm đẹp vào lúc 14h00 hôm nay 31/8/2018.