Vì vậy, một số người đã phải dùng đến dung dịch xịt thơm miệng. Tuy vậy, nếu lạm dụng dung dịch xịt thơm miệng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Nguyên nhân gây hôi miệng
Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, đó là do thức ăn sót lại trong miệng hay giữa các kẽ răng, bị vi khuẩn phân hóa, sẽ tạo ra mùi hôi hoặc do bệnh về răng (nhiễm trùng ở nướu răng, răng sâu có lỗ hổng thuận tiện cho vi sinh vật trú ẩn, tăng sinh; hoặc do bựa vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi sinh vật gây bệnh tác dụng vào và đưa đến hôi miệng...), bệnh về lưỡi (lưỡi bị viêm, loét là nơi các mảnh vụn thực phẩm dễ dính lại và là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi); hoặc do miệng khô bởi giảm tiết nước bọt (nước bọt có nhiệm vụ giữ miệng ẩm, giúp tiêu hóa thực phẩm, giảm các thay đổi về tính acid trong miệng và tiêu hóa tinh bột) và khi tính acid trong miệng cao, vi sinh vật tăng sinh nhiều hơn, hoặc do ăn một số thực phẩm có dầu làm hơi thở hôi như tỏi, hành hoặc món ăn nhiều đạm, chất béo.
Hôi miệng thường gặp nhất là những người mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm mũi, họng, viêm amiđan mạn tính, viêm xoang) hoặc do viêm phổi mạn tính hoặc do ung thư phổi. Hôi miệng cũng bắt gặp ở bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng… Và những người hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, xì gà) hầu hết có hôi miệng do viêm nhiễm trường diễn đường hô hấp.
Lạm dụng dung dịch xịt thơm miệng làm tăng thêm hôi miệng.
Thực chất của dung dịch xịt thơm
Dung dịch xịt thơm miệng với thành phần chủ yếu là các thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên (bạc hà, bách lý hương, quế, cam thảo...) và một số loại xịt thơm miệng có thêm cồn để làm tăng khả năng sát khuẩn miệng, họng.
Tinh dầu bạc hà giúp cho người dùng có cảm giác hơi thở thơm mát, sảng khoái. Tinh dầu bách lý hương có chứa thymol có tác dụng khử khuẩn rất tốt; tinh dầu quế có tác dụng chống ôxy hóa, vi khuẩn và vi nấm... Cồn có tính sát khuẩn cao có tác dụng ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển của vi khuẩn, virut, nấm trong khoang miệng. Ưu điểm của dung dịch xịt thơm miệng có tác dụng nhanh trong việc làm giảm mùi hôi ở miệng, được dùng trong trường hợp những người có bệnh lý hôi miệng chưa rõ nguyên nhân hoặc sau khi ăn uống thức ăn có mùi, hút thuốc và cần làm giảm mùi khẩn cấp.
Nhược điểm của dung dịch xịt thơm miệng
Dung dịch xịt thơm miệng không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây hôi miệng cho nên hôi miệng không thể khỏi khi dùng chúng và tác dụng của nó chỉ kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Hơn nữa, nếu lạm dụng có thể làm cho nguyên nhân hôi miệng tăng lên.
Các loại dung dịch xịt thơm miệng có tác dụng “đánh lừa” cảm giác của người sử dụng và làm cho người sử dụng cảm thấy tự tin hơn trong một thời gian nhất định nào đó (trừ những dạng thuốc xịt có chứa dược phẩm trị liệu chuyên biệt được bác sĩ kê đơn). Bởi vì, nếu dùng lâu dài dung dịch xịt thơm miệng, chứng hôi miệng không những không mất mà có thể nặng thêm. Nguyên nhân là do thành phần xịt giúp dung dịch bay hơi nhanh (trong đó có cồn) làm khô niêm mạc miệng, mất độ ẩm tự nhiên của khoang miệng, từ đây làm cho các vi sinh vật có sẵn ở niêm mạc miệng, họng (vi khuẩn, virut, vi nấm) phát triển nhanh hơn và sản sinh ra nhiều độc tố hơn (một số vi sinh vật gây bệnh còn có khả năng sinh ra khí có mùi hôi) làm cho họng, miệng càng bị viêm nhiều hơn và hôi miệng càng tăng nặng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng.
Hơn nữa, mùi thơm đánh lừa cảm giác của người bệnh, làm cho người bị hôi miệng nhầm tưởng rằng mình đã hết hôi miệng cho nên bỏ quên hoặc sao nhãng chữa trị các nguyên nhân gây ra hôi miệng (viêm họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm phổi hoặc cứ tiếp tục ăn các loại gia vị gây mùi hôi như tỏi... hoặc tiếp tục hút thuốc) hoặc quên vệ sinh răng miệng hàng ngày làm cho hôi miệng càng ngày càng trầm trọng thêm. Nhất là với người có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, việc sử dụng quá thường xuyên dung dịch xịt thơm miệng, không chỉ dừng ở mùi hôi càng gia tăng mà còn gây ra những bệnh lý răng miệng nặng nề hơn mà người dùng không hề biết.
Tóm lại, phải xác định rằng dung dịch xịt thơm miệng không phải thuốc chữa hôi miệng. Vì vậy, muốn hết hẳn hôi miệng trước hết phải được xác định nguyên nhân bằng cách đi khám bệnh, trên cơ sở đó sẽ được bác sĩ điều trị giải quyết dứt điểm căn nguyên gây hôi miệng và sẽ hết hôi miệng. Một số trường hợp như hút thuốc, nếu ngừng hút và vệ sinh họng miệng, răng sạch sẽ hàng ngày trong một thời gian ngắn sẽ hết hôi miệng. Nên hạn chế ăn các loại gia vị như tỏi, hành và sau khi ăn nên vệ sinh họng, miệng, răng thật sạch sẽ.