Trong một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học Đại học Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, thời gian sử dụng thiết bị kỹ thuật số, nội dung sử dụng ảnh hưởng đến tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên.
Phân tích dữ liệu gồm hơn 53.000 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những người tham gia thực hiện các hành vi ăn uống lành mạnh (ăn trái cây và rau quả) và không lành mạnh (bỏ bữa sáng và tiêu thụ thức ăn nhanh, khoai tây chiên, mì gói...) liên quan đến thời lượng sử dụng điện thoại thông minh hàng ngày và nội dung sử dụng.
Kết quả cho thấy, thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh hơn 2 giờ mỗi ngày có xu hướng ăn không lành mạnh so với những người dành ít thời gian sử dụng điện thoại.
Ngoài ra, số thanh thiếu niên dành hơn 3 giờ mỗi ngày sử dụng điện thoại thông minh có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì cao hơn đáng kể.
Sử dụng điện thoại thông minh có thể gây béo phì ở thanh thiếu niên.
Những thanh, thiếu niên sử dụng điện thoại để tìm kiếm và truy xuất thông tin tổng thể có hành vi ăn uống lành mạnh hơn những người sử dụng điện thoại để trò chuyện/nhắn tin, chơi game, video/âm nhạc và mạng xã hội.
Nguyên nhân có thể đến từ việc tiếp xúc với tiếp thị thực phẩm không lành mạnh trên mạng, xu hướng ăn uống vô tâm trong khi sử dụng điện thoại thông minh, ngủ không đủ giấc hoặc thay đổi thời gian dành cho hoạt động thể chất… Do vậy cần có sự quản lý chặt chẽ hoạt động tiếp thị thực phẩm nhắm vào thanh thiếu niên trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, và có các biện pháp để ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp xúc với các hoạt động tiếp thị hoặc thông điệp sai lệch về thực phẩm.
Ngoài ra, có thể tận dụng các tính năng của điện thoại thông minh để cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua các ứng dụng theo dõi dinh dưỡng hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về ăn uống lành mạnh.