Lạm dụng corticoid tiêm - Tai họa khó lường

09-06-2008 16:49 | Dược
google news

Lạm dụng cortico-teroid dạng uống, dùng ngoài được nhắc đến nhiều. Trong khi đó, lạm dụng chúng dạng tiêm cũng khá phổ biến, nguy hiểm hơn nhiều nhưng chưa được cảnh báo đúng mức.

Lạm dụng cortico-teroid dạng uống, dùng ngoài được nhắc đến nhiều. Trong khi đó, lạm dụng chúng dạng tiêm cũng khá phổ biến, nguy hiểm hơn nhiều nhưng chưa được cảnh báo đúng mức.

Những trường hợp lạm dụng thường gặp

Người bệnh tự ý dùng theo mách bảo của người có cùng bệnh; người bệnh dễ dãi chấp nhận chỉ định không đúng của người làm dịch vụ y tế tư (có khi chưa có giấy phép, chưa đủ trình độ cần thiết); người bệnh được thầy thuốc kê đơn (thấy thuốc làm giảm đau và viêm nhanh, tưởng là thuốc chữa bệnh tốt), nên dùng lại đơn cũ hoặc tự ý mua thêm thuốc dùng kéo dài. Khi bệnh tái phát, lại dùng lại thuốc theo cách dùng sai cũ. Ngay trong cơ sở điều trị, một số nhân viên y tế tưởng dùng thuốc này sẽ phòng được dị ứng nên tự ý cho thêm vào y lệnh (thường cho thêm vào dịch truyền).

Việc dùng corticoid đường tiêm phải được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Các thuốc bị lạm dụng và tác hại

Hydrocortison: có tác dụng kháng viêm, dùng dưới dạng hỗn dịch tiêm 25mg/2ml và 125mg/5ml. Đúng ra, chỉ có cơ sở điều trị nội trú tuyến trên mới cho dùng tiêm trong và quanh khớp, tiêm trong và quanh dây chằng (chỉ trong một ít trường hợp viêm đau khớp, thoái hoá khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân nặng mà việc dùng đường uống hay dùng các kháng viêm không steroid không đáp ứng). Thực tế, người làm dịch vụ y tế tuyến dưới vẫn dùng để chữa viêm đau khớp. Việc dùng không đúng tuyến dẫn đến một số sai sót sau: chỉ định khi không cần thiết (trong thấp khớp nhẹ, chỉ dùng kháng viêm không steroid vẫn có hiệu quả, an toàn, rẻ tiền). Chỉ định sai (chỉ định khi viêm khớp do nhiễm khuẩn, hoặc khi có nhiễm khuẩn toàn thân là những trường hợp thuộc chống chỉ định). Thiếu kiến thức giải phẫu nên tiêm không đúng vào khớp mà lạc vào cơ, xương, mạch máu, dây thần kinh quanh khớp gây hậu quả xấu như teo cơ, xốp xương, làm mất chức năng khớp (có khi dẫn đến tàn phế, tử vong). Do cơ sở tiêm không đạt tiêu chuẩn, không vô khuẩn tốt khi tiêm dẫn đến nhiễm khuẩn tại khớp rồi nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn máu (nguy hiểm đến tính mạng).

Depersolon: chỉ định chính là chống viêm, chống dị ứng trong những trường hợp choáng nặng (sốc phản vệ, cơn hen kịch phát, sốc do nhiễm độc vi khuẩn). Depersolon chỉ chống lại các biểu hiện của viêm và dị ứng. Tuy nhiên, có người hiểu nhầm depersolon phòng được dị ứng nên thường trộn vào dịch tiêm truyền. Lạm dụng này sẽ có một số tác hại: chủ quan trong truyền dịch (nhiều trường hợp dù đã có cho thêm depersolon, dịch truyền vẫn gây sốc). Có khi sai với chỉ định làm mất hiệu lực thuốc khác trong y lệnh (chẳng hạn khi nhiễm khuẩn nặng thầy thuốc vừa cho thuốc chống nhiễm khuẩn vừa cho truyền dịch, cho thêm depersolon làm giảm sức đề kháng cơ thể). Có khi tác dụng phụ của depersolon gây bất lợi cho người bệnh (ví dụ làm tăng huyết áp).

Kenacort: là biệt dược của triamcinolon, một loại corticosteroid rất mạnh nhưng rất độc, bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, có tác dụng lại kéo dài. Đúng ra kenacort chỉ được dùng điều trị nội trú trong các cơ sở y tế tuyến trên, tiêm bắp trong viêm khớp dạng thấp, dị ứng da hoặc tiêm tại chỗ trong các bệnh khớp, trong sẹo lồi; không dùng trị hen. Thực tế, một số người làm dịch vụ y tế tuyến dưới thường dùng tiêm chữa viêm đau khớp, chữa hen. Dùng kenacort chữa hen là không đúng với chỉ dẫn này. Thuốc có thể làm giảm một số triệu chứng nhất thời, làm cho người bệnh chủ quan và không dùng đúng các thuốc kiểm soát hen theo khuyến cáo, làm cho bệnh dễ có những đợt kịch phát và ngày càng nặng hơn. Khi quen thuốc, những lần dùng sau thường đòi hỏi liều cao hơn, dễ gây độc hơn. Với đau và viêm khớp: chỉ định có khi không cần thiết (như khi bệnh nhẹ) có khi chỉ định sai (như dùng khi viêm đau khớp do nhiễm khuẩn, hay có nhiễm khuẩn toàn thân, là trường hợp thuộc chống chỉ định).

Ngay cả khi dùng đúng chỉ định, nhưng dùng kéo dài ( mỗi đợt quá 10 ngày, lặp lại nhiều đợt), các thuốc trên còn gây một số tác dụng phụ khác:

- Làm tăng thường xuyên nồng độ các chất này trong máu nên gây ra phản ứng ngược không kích thích vỏ thượng thận tiết hormon, tuyến vỏ thượng thận sẽ bị teo. Gây hội chứng biến dưỡng (tăng giữ muối nước gây béo giả, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như ở mặt), biểu hiện dễ thấy nhất là mặt tròn như mặt trăng. Gây tăng đường huyết, dẫn đến nguy cơ bị đái tháo đường.

- Làm tăng huyết áp (do giữ muối, nước và tăng glucosa huyết), giảm kali huyết, kết hợp với việc gây rối loạn cân bằng muối- nước, dẫn đến nhiều bất lợi cho người bị bệnh tim mạch, người bị glaucoma.

- Gây rối loạn quá trình tạo xương, biến dưỡng cơ dẫn đến loãng xương, yếu teo cơ.

- Làm giảm sức đề kháng chung của cơ thể giảm sức đề kháng của da: da dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh, teo da, khó lành các vết thương, làm đỏ ngứa nổi mụn giãn mạch, xuất hiện các vết loét, xuất huyết dưới da.

- Loét dạ dày tá tràng, nặng hơn là gây xuất huyết thủng dạ dày.

- Có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Có thể gây khó ngủ, mất ngủ, nặng hơn gây trạng thái trầm cảm...

Có khi bị các tác dụng phụ này, người bệnh không biết để hiệu chỉnh hoặc ngừng thuốc mà lại dùng thuốc khác điều trị gây nên các tương tác bất lợi.

Corticosteroid dạng tiêm độc, khó dùng, chỉ dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

DS. Hà Thủy Phước


Ý kiến của bạn