Hà Nội

Lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên và thanh niên

25-10-2018 13:27 | Y học 360
google news

SKĐS - Việc sử dụng, lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên và thanh niên có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục nói riêng của trẻ vị thành niên và thanh niên cũng như những người có liên quan.

Do hệ thần kinh và não bộ vẫn tiếp tục được phát triển ở nhóm tuổi này nên việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện có thể dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ, không thành công trong quá trình xây dựng mối quan hệ gia đình và xã hội, học hành bị sa sút... Trẻ vị thành niên và thanh niên sử dụng chất gây nghiện cũng dễ có các nguy cơ về sức khỏe sinh sản sau này do tác động của chất gây nghiện và dùng chung bơm kim tiêm như có thể mang thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, đồng thời có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi do dùng chất gây nghiện khi mang thai...

Nhiệm vụ của ngành y tế đối với vấn đề này

Trước thực trạng tình hình này, nhiệm vụ của ngành y tế khá quan trọng trong thực hiện sàng lọc để phát hiện việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên và thanh niên. Phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện đến vấn đề sức khỏe sinh sản mà trẻ vị thành niên và thanh niên đang gặp phải, điều chỉnh phác đồ can thiệp về y tế nếu cần và làm việc với các bên có liên quan bao gồm cả gia đình để có được môi trường thuận lợi nhằm giúp giảm thiểu tác hại. Đồng thời phải kết nối, chuyển gửi đến các đơn vị phù hợp trong trường hợp có lạm dụng chất gây nghiện để trẻ vị thành niên và thanh niên tiếp tục được chẩn đoán, điều trị.

Việc sàng lọc phát hiện nguy cơ sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên và thanh niên được thực hiện bằng 9 câu hỏi phỏng vấn với thời gian ấn định trong vòng 12 tháng qua bao gồm:

Câu 1 hỏi có uống chút rượu khoảng hơn vài ngụm nào không. Câu 2 hỏi có hút chất cần sa hoặc hashish nào không? Câu 3 hỏi có dùng bất kỳ một chất nào khác như thuốc trái phép, thuốc không kê đơn và có kê đơn hoặc những thứ hít hay hút để tạo nên sự hưng phấn không?

Lạm dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên và thanh niên

Ngoài 3 câu hỏi cơ bản này, tiếp tục phỏng vấn thêm 6 câu hỏi nữa được tóm tắt bằng chữ CRAFFT xuất phát từ 6 chữ đầu của từ tiếng Anh để dễ nhớ gồm: Câu 4 (C: Car) hỏi có bao giờ đi trên xe ô tô (car) do một người lái xe kể cả mình đang “phê” hoặc đã sử dụng rượu hay ma túy chưa? Câu 5 (R: Relax) hỏi có bao giờ sử dụng rượu hoặc ma túy để thư giãn (relax), để cảm thấy dễ chịu hơn và cảm thấy thoải mái hơn hay hòa nhập hơn với bạn bè chưa? Câu 6 (A: Alone) hỏi có bao giờ sử dụng rượu hoặc ma túy khi ở một mình (alone) chưa. Câu 7 (F: Forget) hỏi có bao giờ quên (forget) những việc đã làm khi sử dụng rượu hoặc ma túy chưa? Câu 8 (F: Friends) hỏi có bao giờ gia đình hoặc bạn bè (friends) nói với mình rằng cần giảm uống rượu hoặc giảm dùng ma túy chưa? Câu 9 (T: Trouble) hỏi đã bao giờ gặp rắc rối (trouble) trong khi sử dụng rượu hoặc ma túy chưa?

Việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện có thể dẫn đến hiện tượng giảm trí nhớ

Từ các câu hỏi phỏng vấn ở trên, việc nhận định kết quả sàng lọc và phản hồi được thực hiện tùy theo từng trường hợp. Trẻ vị thành niên và thanh niên không sử dụng rượu hay chất gây nghiện khi trả lời “không” từ câu hỏi 1 đến câu hỏi 3, có điểm CRAFFT bằng 0 nếu trả lời “không” từ câu hỏi 4 đến câu hỏi 9; trường hợp này không có nguy cơ hoặc có nguy cơ rất thấp, cần khen ngợi và động viên. Trẻ vị thành niên và thanh niên không sử dụng rượu hay chất gây nghiện khi trả lời “không” từ câu hỏi 1 đến câu hỏi 3, có điểm CRAFFT bằng 1 nếu trả lời “có” một trong sáu câu hỏi từ câu hỏi 4 đến câu hỏi 9; trường hợp này có nguy cơ thấp, khen ngợi, động viên, nói với trẻ vị thành niên và thanh niên nguy cơ không an toàn khi đi với người vừa uống rượu hay dùng ma túy và đề nghị trẻ vị thành niên, thanh niên cam kết không tái diễn. Trẻ vị thành niên và thanh niên có sử dụng rượu hoặc chất kích thích khi trả lời “có” một trong ba câu từ câu hỏi 1 đến câu hỏi 3, có điểm CRAFFT bằng 0 nếu trả lời “không” từ câu hỏi 4 đến câu hỏi 9; trường hợp này có nguy cơ thấp, động viên để trẻ vị thành niên và thanh niên ngừng sử dụng chất gây nghiện, đồng thời đưa ra lời khuyên ngắn gọn về tác hại của các chất gây nghiện. Nếu điểm CRAFFT bằng 2 hoặc hơn khi trả lời “có” hai trong sáu câu hỏi từ câu hỏi 4 đến câu hỏi 9; trường hợp này có nguy cơ cao, trẻ vị thành niên và thanh niên đã dương tính với việc sử dụng chất gây nghiện; nhân viên y tế đánh giá mức độ lạm dụng phụ thuộc chất gây nghiện và tác động của chất gây nghiện với vấn đề sức khỏe sinh sản mà trẻ vị thành niên và thanh niên đang có cũng như các nguy cơ khác; đồng thời chuyển gửi trẻ vị thành niên và thanh niên đến đơn vị phù hợp để được tư vấn và điều trị thích hợp như các điểm cai nghiện, điểm điều trị Methadone.

Đánh giá và phân loại mức độ nghiện chất gây nghiện

Để có chẩn đoán xác định về mức độ sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện, nhân viên y tế cần hỏi thêm về tuổi bắt đầu sử dụng, mức độ sử dụng hiện tại, các tác hại và nỗ lực cai nghiện với các câu hỏi cụ thể như: bắt đầu sử dụng khi nào, mức độ sử dụng hiện nay như thế nào; đã có khi nào gặp vấn đề ở trường, ở nhà hay là với công an hoặc chính quyền địa phương chưa. Nếu trẻ vị thành niên và thanh niên trả lời có thì hỏi tiếp có phải lần đó xảy ra ngay sau khi uống rượu hoặc dùng thuốc gây nghiện không, đã thử từ bỏ bao giờ chưa, tại sao, việc đó đã xảy ra như thế nào, lần đó đã cai nghiện được bao lâu, lần đó là khi nào... Trường hợp trẻ vị thành niên và thanh niên chỉ gặp các vấn đề nhỏ và đã từng có lúc cai nghiện được, khuyến khích nên cai nghiện, đặt lịch hẹn theo dõi tiếp, đồng thời động viên và khen ngợi các nỗ lực cố gắng dù nhỏ. Trường hợp trẻ vị thành niên và thanh niên cho biết đã gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn như tiêm chích ma túy, các rắc rối với pháp luật, học sa sút nhiều hay có vấn đề về tâm lý; nhân viên y tế cần thảo luận với trẻ vị thành niên và thanh niên cùng gia đình để chuyển gửi đến các đơn vị chuyên biệt về chất gây nghiện để được tiếp tục đánh giá và điều trị.

Ảnh hưởng của chất gây nghiện đến sức khỏe sinh sản và nguy cơ

Cần cung cấp cho trẻ vị thành niên và thanh niên biết rõ việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện có thể làm tăng các hành vi nguy cơ như: quan hệ tình dục không an toàn; quan hệ tình dục không đồng thuận, quấy rối, lạm dụng tình dục; quan hệ tình dục với nhiều bạn tình khác nhau, sử dụng chung bơm kim tiêm.

Nhân viên y tế phải đánh giá các hành vi nguy cơ và tư vấn những vấn đề cần thiết về các chất gây nghiện đối với sức khỏe sinh sản, đồng thời thực hiện các xét nghiệm phù hợp để phát hiện bệnh như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, viêm gan, thai nghén... Trường hợp trẻ vị thành niên và thanh niên đang hoặc sẽ điều trị một vấn đề sức khỏe sinh sản, nhân viên y tế cần đánh giá nguy cơ của chất gây nghiện liên quan đến việc tuân thủ điều trị và tương tác thuốc điều trị với chất gây nghiện; nhân viên y tế cũng có thể tham khảo ý kiến về chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp.

Các cơ sở y tế cần thực hiện các quy định của văn bản hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma túy nhóm Opiats là chất dạng thuốc phiện, hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loại tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamin trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh có liên quan.


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn