Hà Nội

Lạm dụng cây chó đẻ chữa bệnh gan: Coi chừng dính bẫy tử thần

10-07-2015 15:08 | Y học 360
google news

Cây chó đẻ có thể nói là quán quân trong việc được nhiều người sử dụng, vì dễ tìm và giá rẻ. Ít ai biết, chính những đặc tính này của cây thuốc ấy đã trở thành căn nguyên đưa nhiều người đến với những mối họa khôn lường!

Trong mê hồn trận cây thuốc được thiên hạ loan truyền chữa các chứng bệnh về gan, cây Chó đẻ (CCĐ) hay Diệp hạ châu có thể nói là quán quân trong việc được nhiều người sử dụng, vì dễ tìm và giá rẻ. Ít ai biết, chính những đặc tính này của cây thuốc ấy đã trở thành căn nguyên đưa nhiều người đến với những mối họa khôn lường!

Doping của lá gan?

“Cây thuốc trị các chứng bệnh về gan có rất nhiều, ví như Nhân trần, Dứa dại, Xáo tam phân, Mật nhân... Nhưng các loại này thường là khó kiếm, đắt tiền hay để lại tác dụng phụ... Cây Chó đẻ thì không như thế, lành tính nên được ngành y học cổ truyền ví là “doping của lá gan”.

Chia sẻ về tác dụng thần kỳ của CCĐ, ông Trần Vỹ (62 tuổi, ngụ P2Q.Tân Bình, nghiên cứu về cây thuốc này đã 3 năm) ca ngợi tính hữu ích và tác dụng diệu kỳ của CCĐ. Qua đó, ông đúc kết rằng cây thuốc nào giá càng đắt, được quảng bá ầm ĩ thì gắn với nhiều nguy cơ như bị giả, rút chất hay tồn ẩn chất kích thích tăng trưởng, vì người trồng phải thúc cho phát triển nhanh để bán.

Cận cảnh cây chó đẻ thân xanh

“Đông y gọi Chó đẻ vì các bậc chân y quan sát thấy sau khi hạ sinh, chó mẹ thường tìm ăn cây này nên gọi... CCĐ! Còn gọi chó đẻ là Diệp hạ châu bởi các cụ quan sát thấy cây có hạt mọc dưới lá. Các sách thuốc ghi nhận nó chữa bá chứng về gan”, ông Vỹ nhấn mạnh. Bị chứng gan nhiễm mỡ, ông tin CCĐ sẽ giúp mình cải thiện chức năng gan, đánh tan các lớp mỡ không mong đợi.

Đùa với tử thần

Ông Vỹ chỉ là một trong vô số người đang thần tượng và tích cực sử dụng CCĐ để chữa các chứng bệnh về gan, cũng như duy trì lá gan luôn khỏe mạnh sau các chầu nhậu bí tỉ. Chị Thu Minh (32 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty bất động sản Trường A... ở quận 1) cho rằng uống CCĐ sẽ giúp làn da tươi tắn nuột nà.

Theo y văn, Diệp hạ châu hay CCĐ còn có tên gọi khác như Diệp hòa thái, Lão nha châu. Đây là cây thuốc mọc hoang ở các nước vùng nhiệt đới, dùng toàn thân ở hai dạng tươi và khô: “Cây chó đẻ có tác dụng chữa viêm gan siêu vi B, nhưng bảo nó chữa bá chứng về gan là hiểu sai về tác dụng của cây thuốc này”, dược sĩ Trương Phúc Trinh (phụ trách khâu dược Đoàn y bác sĩ Niềm Tin - tổ chức thiện nguyện chuyên giúp bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS) cho biết.

Theo dược sĩ Trinh, CCĐ gồm hai loại: thân xanh và thân đỏ, trong đó CCĐ thân đỏ mới được y văn ghi nhận chữa bệnh viêm gan siêu vi B với tên gọi đầy đủ là chó đẻ răng cưa. “Đây là loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 30cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, thường có màu đỏ”.

Đúng như chia sẻ của dược sĩ Trinh, trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, cố Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi đã mô tả CCĐ thân đỏ với tên gọi như trên và nói rõ tác dụng chữa viêm gan siêu vi B của cây thuốc: “Năm 1988, Blumberg và Thiogarajan công bố đã điều trị 37 bệnh nhân viêm gan siêu vi trùng B bằng chó đẻ răng cưa, đạt kết quả âm tính 22/37 sau 30 ngày”.

Lương y Nguyễn Trọng Bá (tỉnh Đồng Nai) cho biết tác dụng chữa viêm gan siêu vi B của CCĐ răng cưa đã được ghi nhận. Nhưng cần lưu ý người không mắc chứng viêm gan, nếu tự ý sử dụng thì vô cùng nguy hại, bởi đây là cây thuốc chữa bệnh, không phải thuốc bổ. Người có lá gan bình thường nếu lạm dụng sẽ dẫn đến chai gan, xơ gan... và trên thực tế đã có người tự ý sử dụng cây thuốc này đã phải vong mạng.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

“Mẹ tôi đi khám bệnh được bác sĩ cho biết bị chai gan. Trong vòng 3 tháng mẹ bị vàng da, nghe người bà con giới thiệu uống CCĐ sẽ hết, mẹ liền gọi về Việt Nam nhờ kiếm dùm. Họ phơi khô, xào trong nồi gang, hạ thổ gửi qua Mỹ. Mẹ tôi nấu nước uống trong vòng 1 tháng thìå sụt gần 10kg, khoảng 2 tháng sau bị chảy máu miệng mũi, đi tiêu ra máu, sau đó thổ huyết rồi chết. Vì thế, mọi người phải cẩn thận với CCĐ”.

Trên đây là chia sẻ của một thành viên trên diễn đàn cây thuốc của y sinh Tuệ Lâm (Trường y học cổ truyền Lê Hữu Trác - TPHCM). Y sinh này cho biết trong quá trình tìm hiểu, anh ghi nhận được nhiều ý kiến của các lương y về mối nguy phá huyết của CCĐ: “Khi không mắc bệnh về gan, nếu lạm dụng thì người sử dụng CCĐ sẽ bị phá hồng huyết cầu, từ đó suy giảm hệ miễn dịch, hại gan...”.

Theo kỹ sư hóa Bùi Văn Cứ (Hội hóa học TPHCM), phân tích cho thấy trong thành phần CCĐ răng cưa có một số chất kháng sinh đối kháng với các vi khuẩn gồm tụ cầu trùng, coli, sonnei, shiga...

Vì thế mà chó mẹ sau khi sinh con thường ăn CCĐ để mau lành vết thương. Dược sĩ Trương Phúc Tinh lưu ý, vì trong CCĐ có chất kháng sinh mà theo nguyên tắc ngành y, loại này không được tự ý dùng, không được lạm dụng và sử dụng kéo dài. Tính phá huyết của CCĐ bắt nguồn từ cơ sở đó.

D.Nha Trang

 

 


Ý kiến của bạn