Trong lĩnh vực y khoa, những thiết bị cận lâm sàng đã hỗ trợ rất nhiều cho thầy thuốc trong việc chẩn và trị bệnh. Nhưng hiện tượng lạm dụng các thiết bị công nghệ cao cũng đem lại không ít bức xúc cho người bệnh. Chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến về vấn đề này.
Vũ Thanh Thu - Cầu Giấy (Hà Nội).
Đâu phải làm đủ xét nghiệm là tìm ra bệnh
Tôi có 2 lần đi khám bệnh nhớ đời. Lần đầu là con trai tôi thỉnh thoảng bị đau vùng sườn phải, có những lúc cháu kêu đau quặn, khó thở. Tôi đưa cháu đến khám bệnh tại một phòng khám đa khoa. Bác sĩ chỉ định cho cháu đi làm các xét nghiệm: điện tâm đồ, điện não đồ, siêu âm bụng, siêu âm tim, xét nghiệm máu, chụp Xquang tim phổi, nội soi dạ dày. Xét nghiệm và chụp chiếu đến chiều mới xong và tổng thanh toán hết hơn 2 triệu đồng. Khi tôi đưa cháu quay lại chỗ khám lúc đầu thì gặp một bác sĩ khác. Nhìn các kết quả xét nghiệm, bác sĩ bảo sức khỏe cháu bình thường, không có vấn đề gì cả cứ yên tâm.
Nhưng về nhà, thỉnh thoảng con tôi vẫn bị đau như vậy nên tôi không tin vào kết quả khám hôm đó mà nghĩ rằng cháu bị bệnh tim nên đưa cháu đến Bệnh viện Bạch Mai để khám lại. Sau khi khám và hỏi con tôi đau chỗ nào, đau như thế nào? kết luận của bác sĩ là đau dây thần kinh liên sườn.
Lần thứ hai là chồng tôi bị đau rát vùng cổ lan sang vai. Nghe nói một trung tâm y khoa rất "xịn", lại ở gần nhà nên chồng tôi đến đó khám bệnh. Anh ấy cũng phải làm đủ các xét nghiệm máu, nước tiểu mà cuối cũng bác sĩ lắc đầu bảo không phát hiện ra bệnh gì. Chồng tôi đi khám ở Bệnh viện Da liễu thì kết quả là bị zona.
Con tôi uống vitamin B1 một thời gian kèm theo tập thở nên nay đã hết bệnh. Tôi rất mừng vì cháu không mắc bệnh gì nguy hiểm. Nhưng sau 2 lần đó tôi rút được kinh nghiệm là đâu phải cứ phải chiếu chụp, làm đủ các xét nghiệm mới ra được bệnh. Điều quan trọng là phải có thầy thuốc giỏi thì bệnh nhân mới bớt khổ.
Chị Ngô Thu Trang - Trung Tự (Hà Nội).
Lạm dụng kỹ thuật cao gây tốn kém cho bệnh nhân
Một lần tôi bị đau bụng dữ dội, đến một bệnh viện ở gần nhà khám và được chẩn đoán ban đầu là đau ruột thừa. Bác sĩ cho tôi nằm theo dõi thêm, rồi tôi được làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Xquang... Rồi để "yên tâm" hơn, bác sĩ chỉ định cho tôi chụp cắt lớp. Cuối cùng tôi được đưa lên bàn mổ...
Sau 4 ngày nằm viện, tôi phải thanh toán một số tiền lớn. Số tiền này chủ yếu chi phí cho các dịch vụ công nghệ cao và tiền thuốc.
Tôi hỏi nhiều bác sĩ và cứ băn khoăn mãi rằng tại sao với bệnh viêm ruột thừa, các biểu hiện và triệu chứng lâm sàng được cho là rất điển hình mà tôi lại phải làm nhiều các xét nghiệm cũng như sử dụng các phương tiện hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán đến thế? Còn với các ca bệnh có những biểu hiện không rõ ràng thì phải làm sao đây? Tôi không hiểu trình độ của bác sĩ ở bệnh viện đó kém nên phải dựa vào hầu hết các phương tiện hiện đại mới có thể chẩn đoán được căn bệnh viêm ruột thừa của tôi hay vì muốn thu lại thật nhanh các chi phí đầu tư mua máy móc nên bệnh nhân "được" chỉ định chiếu chụp nhiều thế?
Không ai phủ nhận lợi ích của các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán. Tuy nhiên, theo tôi, việc sử dụng nó như thế nào và với những tình huống nào thì nên sử dụng mới là điều quan trọng.
TS. Ngô Văn Toàn - Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình - BV Việt Đức.
Hãy khám bệnh bằng bàn tay và khối óc trước khi có các chỉ định khác
Mỗi người làm việc có 2 yếu tố là khó khăn và thuận lợi. Thuận lợi nhiều thì khó khăn sẽ ít và ngược lại. Đối với nghề nghiệp của chúng tôi thì các công cụ máy móc cận lâm sàng là những điều kiện thuận lợi hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn.
Càng ngày, trình độ thầy thuốc trên thế giới cũng như Việt Nam càng phát triển và có tính chuyên nghiệp cao. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán cũng ngày hiện đại. Ví như trước đây một lần lấy máu chỉ cho ra một kết quả xét nghiệm, ngày nay nhờ máy xét nghiệm đa chức năng, cho phép trả lời nhiều thông số, kết quả theo yêu cầu của lâm sàng nên chỉ cần một lần lấy máu đã cho ra được rất nhiều kết quả xét nghiệm cần thiết. Hoặc như trước đây chụp Xquang do công nghệ tráng phim ướt nên bệnh nhân phải chờ đợi kết quả lâu. Mà chất lượng phim lại phụ thuộc vào chất lượng của thuốc tráng phim nên cho kết quả không đều. Ngày nay chụp Xquang kỹ thuật số cho kết quả nhanh, độ phân giải lớn, thậm chí một phim cho ra cả seri hình ảnh và cho phép kết nối tới tận nơi làm việc của bác sĩ (phòng hội chẩn, nhà mổ...) giúp thầy thuốc phát hiện tổn thương nhỏ nhất, trong thời gian nhanh nhất. Máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ cho phép chẩn đoán phát hiện sớm những bệnh lý, khối u một cách chính xác từ khi khối u còn rất nhỏ giúp thầy thuốc định vị được vùng tổn thương, vị trí tổn thương và có một hướng đi chuẩn xác khi có nhu cầu điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Hay các thiết bị khác như siêu âm đầu dò; nội soi ngày càng nhỏ giúp giảm sự khó chịu cho bệnh nhân khi phải sử dụng. Các thiết bị đó đều hỗ trợ thầy thuốc phát hiện sớm, tránh thiếu sót khi chẩn bệnh, hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh cũng như theo dõi sau điều trị tốt hơn.
Tuy nhiên, song song với những ưu việt đó thì cũng có những vấn đề bất cập kèm theo, đó là vấn đề sử dụng sai mục đích, sai đối tượng. Tôi nghĩ, những bất cập này có hai vấn đề. Một là việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đắt tiền khiến nhà đầu tư muốn thu lại vốn nhanh. Điều đó dẫn đến việc chỉ định cho bệnh nhân phải chiếu chụp tràn lan, khiến cho bệnh nhân phải chi trả nhiều khoản tiền bất hợp lý. Hai là trình độ thầy thuốc chưa chuyên sâu nên có những chỉ định không cần thiết.
Các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chỉ nên được đầu tư ở những bệnh viện lớn, những trung tâm y tế lớn - nơi có những thầy thuốc giỏi có thể sử dụng được những trang thiết bị này một cách hiệu quả. Còn với những bệnh viện không có các bác sĩ chuyên sâu thì không nên đầu tư thiết bị hiện đại vì thiếu đồng bộ sẽ gây lãng phí do không biết sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích...
Khi mà thầy thuốc quá phụ thuộc vào các phương tiện này thì sẽ bị lãng quên những kỹ năng thăm khám lâm sàng bằng bàn tay và khối óc của thầy thuốc, đó là các kỹ năng NHÌN - SỜ - GÕ - NGHE. Vì thế thầy thuốc hãy dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, khám bệnh bằng các công cụ thông thường, bằng kỹ năng, kinh nghiệm của người thầy thuốc, nếu không ra bệnh thì mới chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm, chiếu chụp bằng những phương tiện kỹ thuật cao để tránh tình trạng lạm dụng và gây tốn kém cho bệnh nhân - những người đã quá đau khổ và thiệt thòi vì bệnh tật.
Thu Hà (Thực hiện)