Hà Nội

Lạm dụng 4 loại thuốc phổ biến sau làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ

17-07-2023 07:03 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Một số loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ. Nguy cơ này tăng lên khi bạn lạm dụng thuốc, dùng liều cao hơn trong thời gian dài hơn.

Các bệnh phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp, lười vận động... được biết đến là làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, nhưng một số loại thuốc phổ biến cũng có liên quan đến nguy cơ này.

Các loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ bao gồm: Thuốc điều trị bàng quang hoạt động quá mức, thuốc giảm đau, thuốc trị chứng ợ nóng và một số loại thuốc điều trị lo âu…

1. Thuốc kháng cholinergic làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ

Thuốc kháng cholinergic giúp ngăn chặn một chất hóa học gọi là acetylcholine trong cơ thể. Acetylcholine hoạt động như một sứ giả hóa học trong hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến học tập, trí nhớ, vận động và thậm chí cả cảm xúc. Những người mắc bệnh Alzheimer thường có lượng acetylcholine thấp trong cơ thể.

Trong một nghiên cứu lớn với gần 300.000 người, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn đáng kể ở những người dùng liều tích lũy cao nhất của thuốc kháng cholinergic mạnh.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, việc sử dụng thuốc kháng cholinergic có liên quan đến việc chết tế bào não và hoạt động trí óc kém, nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều cho kết quả rõ ràng.

photo-1688186775564

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, đặc biệt khi lạm dụng dùng kéo dài…

Ví dụ, mặc dù diphenhydramine (benadryl) có hoạt tính kháng cholinergic mạnh, nhưng nghiên cứu hiện tại vẫn chưa rõ liệu diphenhydramine có làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ hay không.

Do đó, người bệnh chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc.

Một số loại thuốc kháng cholinergic phổ biến bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin: Diphenhydramine, chlorpheniramine, doxylamine… trị dị ứng.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Doxepin, nortriptyline, amitriptylin...
  • Thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích: Hyoscyamine, dicyclomine…
  • Thuốc điều trị bàng quang hoạt động quá mức: Darifenacin ER, oxybutynin, tolterodine…

2. Thuốc ức chế bơm proton

Thuốc ức chế bơm proton là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong thực hành lâm sàng, điều trị ợ nóng, trào ngược axit dạ dày - thực quản (GERD) và loét dạ dày…

Các nghiên cứu cho thấy đàn ông và phụ nữ mắc chứng mất trí nhớ có nhiều khả năng dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) hơn (lần lượt là 1,5 và 1,4 lần). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là PPI trực tiếp gây ra suy giảm trí nhớ.

Có một vài giả thuyết về cách những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ:

  • PPI đã được chứng minh là gây ra các protein (mảng β-amyloid), tích tụ trong não của chuột. Điều này tương tự như cách bộ não của người thay đổi khi mắc bệnh Alzheimer.
  • Sử dụng PPI trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12, làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ…

Một số thuốc ức chế bơm proton: Omeprazol, lansoprazole, esomeprazole, pantoprazole…

3. Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được dụng rất phổ biến để giảm đau liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau opioid có thể dẫn đến sự phụ thuộc, quá liều và thậm chí tử vong. Nhưng bên cạnh những lo ngại này, các nghiên cứu cũng cho thấy, những người sử dụng nhiều thuốc opioid trong thời gian dài có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Ngay cả những người dùng NSAID (thuốc chống viêm, giảm đau không steroid) để giảm đau cũng có nguy cơ này.

Hiện vẫn chưa rõ liệu nguy cơ suy giảm trí nhớ có liên quan đến việc dùng thuốc giảm đau hay do ảnh hưởng của cơn đau mạn tính lên não hay cả hai. Một nghiên cứu mới hơn cho thấy, những người lớn tuổi bị đau mạn tính có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn, nhưng nghiên cứu này không đo lường có bao nhiêu người trong số những người trưởng thành này đang dùng thuốc giảm đau, vì vậy cần nghiên cứu thêm.

- Một số thuốc giảm đau opioid: Morphin, hydrocodone, fenatyl…

- Một số thuốc NSAID: Naproxen, ibuprofen, indomethacin…

4. Thuốc benzodiazepine - an thần, trị mất ngủ

Thuốc benzodiazepine được sử dụng rộng rãi, thường để trị các chứng lo âu, căng thẳng, mất ngủ khi dùng liều cao, giúp chữa bệnh động kinh, nghiện rượu. Tuy nhiên benzodiazepines (benzos) có liên quan đến nguy cơ suy giảm trí nhớ, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Do đó, người lớn tuổi nên thận trọng với những loại thuốc này.

Ngoài ra, các thuốc benzodiazepin có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại khác, bao gồm sự phụ thuộc lâu dài, các vấn đề về hô hấp, lú lẫn, buồn ngủ, các vấn đề về nhận thức và thậm chí tử vong… Nguy cơ suy giảm chức năng não tăng lên khi dùng liều cao hơn trong thời gian dài.

Một số thuốc benzodiazepin: Lorazepam, clonazepam, diazepam, alprazolam…

Nếu bạn hoặc người thân đang dùng những loại thuốc này cần trao đổi với bác sĩ để có thể dùng liều thấp nhất mà hiệu quả điều trị các triệu chứng của mình.

Nhiều loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, đặc biệt nếu bạn dùng chúng trong một thời gian dài. Như với bất kỳ loại thuốc nào, điều quan trọng là phải cân nhắc những ưu và nhược điểm để tìm ra loại thuốc nào tốt nhất và an toàn nhất cho bạn và sức khỏe lâu dài của bạn.

Nếu bạn phải dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này để giữ sức khỏe, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định liều lượng thấp nhất mà hiệu quả. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bất kỳ tác dụng phụ liên quan nào, bao gồm chứng mất trí nhớ.

Suy giảm trí nhớ: Phát hiện sớm, chữa trị nhanhSuy giảm trí nhớ: Phát hiện sớm, chữa trị nhanh

SKĐS - Mất trí nhớ là một hội chứng bệnh lý về não ngày càng phổ biến hiện nay. Bệnh tiến triển theo thời gian và khó hồi phục. Tuy nhiên vấn đề này nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Mời độc giả xem thêm video:

Suy Giảm Trí Nhớ Ở Người Cao Tuổi Cần Lưu Ý Gì? | SKĐS


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn