Lâm Đồng: Vì sao các TTYT phải chuyển hết bệnh nhân phẫu thuật lên BVĐK tỉnh?

22-12-2017 07:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ tháng 10/2017 đến nay, các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện của tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo và chuyển tuyến bệnh nhân cần phẫu thuật đến 2 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh.

Dẫn đến tình trạng 2 BVĐK tuyến tỉnh của Lâm Đồng hiện đang quá tải, đặc biệt tại Khoa Ngoại, Khoa Sản… Phải chăng các TTYT tuyến huyện của Lâm Đồng không thể thực hiện được các ca phẫu thuật?

BHXH Lâm Đồng đã thống nhất, trong năm 2017, tạm dừng, chưa chấp nhận thanh toán các chi phí phẫu thuật tại các cơ sở KCB không có bác sĩ gây mê hồi sức (GMHS). Đơn cử, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Lâm Đồng vừa có quyết định xuất toán chi phí phẫu thuật năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2,3 tỷ đồng của TTYT Đức Trọng.

Theo lý giải của đại diện BHXH Lâm Đồng, BHXH Việt Nam hay BHXH Lâm Đồng đều thực hiện các quy định của Nhà nước, đó là nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật tối thiểu gồm 1 bác sĩ GMHS, 1 điều dưỡng viên GMHS, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ dụng cụ, 1 điều dưỡng viên làm nhiệm vụ vòng ngoài và 1 hộ lý. Như vậy, có quy định êkíp phẫu thuật GMHS như thế, thì sau khi kiểm tra TTYT Đức Trọng có tình trạng phẫu thuật không có bác sĩ GMHS mà chỉ có kỹ thuật viên GMHS thực hiện nên không đủ điều kiện quy định. Bình thường thì không vấn đề gì nhưng nếu xảy ra tai biến gây chết người ở ca phẫu thuật đó thì như vậy cơ sở KCB hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc không đủ tiêu chuẩn nhân lực mà vẫn thực hiện.Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước khớp gối phải tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước khớp gối phải tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt.

Còn đại diện của  Sở Y tế Lâm Đồng lại cho rằng, việc BHXH từ chối thanh toán chi phí phẫu thuật tại cơ sở không có bác sĩ GMHS với lý do là nhân lực GMHS không đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn công tác GMHS” trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp với thực tế nhân lực tại Lâm Đồng (một trong 5 tỉnh Tây Nguyên), làm tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và ảnh hưởng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong toàn tỉnh.

Thực tế, Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, khu vực Tây Nguyên, địa bàn rộng, điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Các kỹ thuật phẫu thuật ngoại khoa tại hầu hết các TTYT tuyến huyện có bệnh viện đã được triển khai từ nhiều năm, cứu sống được nhiều ca bệnh cấp cứu hiểm nghèo; giảm tỷ lệ chuyển tuyến, thuận lợi cho người dân; giảm quá tải cho các BVĐK tuyến tỉnh để tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Quá trình triển khai thực hiện các kỹ thuật tại các đơn vị đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai biến do kỹ thuật GMHS.

Cũng theo Sở Y tế Lâm Đồng, thực hiện Thông tư số 13/2012/TT-BYT ngày 20/8/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác GMHS, các cơ sở KCB cũng đã quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực GMHS. Đến nay, BVĐK tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và 2 TTYT tuyến huyện đã có BSCKI chuyên ngành GMHS. Các TTYT có thực hiện phẫu thuật khác đã có bác sĩ chuyên khoa sơ bộ GMHS, cử nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên hoặc y sĩ chuyên ngành GMHS và thực hiện công tác GMHS theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 18 Thông tư số 13/2012/TT-BYT. Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 18 Thông tư 13/2012/TT-BYT quy định: “Giám đốc cơ sở KCB được phép thực hiện phẫu thuật, thủ thuật có GMHS phải có kế hoạch tuyển dụng, bố trí nhân lực, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế để đáp ứng các điều kiện quy định tại Thông tư này trước ngày 1/1/2018”.

Do đặc thù chuyên khoa hiếm, chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành này tại các trường đại học y khoa ít; mặt khác, Lâm Đồng thiếu bác sĩ, không thu hút được bác sĩ về công tác; còn thiếu nhiều chuyên khoa, đặc biệt tại tuyến huyện, trong đó có chuyên khoa GMHS (đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cũng như tại nhiều tỉnh trong cả nước). Ghi nhận nhiều năm qua, chương trình đào tạo tăng cường nguồn nhân lực bác sĩ cho Lâm Đồng từ 2 hệ đào tạo: bác sĩ theo địa chỉ sử dụng và bác sĩ cử tuyển đã có trên một trăm bác sĩ về Lâm Đồng công tác nhưng hầu hết đều là bác sĩ đa khoa, không có bác sĩ GMHS.

Cũng theo Sở Y tế, nếu thực hiện theo nội dung Công văn số 1357/BHXH-GĐBHYT ngày 11/9/2017 của BHXH Lâm Đồng, Cơ quan BHXH kiểm tra, giám định lại, thu hồi về quỹ BHYT chi phí phẫu thuật không có bác sĩ GMHS sẽ rất khó khăn cho người dân khi đi KCB BHYT. Các TTYT huyện sẽ không tiếp tục thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân mà giới thiệu chuyển tuyến, không giải quyết được kịp thời các trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu những người dân ở vùng sâu, vùng xa; bệnh nhân phản ứng gay gắt do phải chuyển tuyến tăng các chi phí, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; các cơ sở KCB tuyến tỉnh quá tải trầm trọng không đảm bảo phục vụ, gây bức xúc cho bệnh nhân; không phát triển được các kỹ thuật chuyên sâu; chi phí tại tuyến tỉnh cao hơn sẽ càng gây bội chi quỹ BHYT.

BVĐK Lâm Đồng ghi nhận số ca phẫu thuật tăng vọt trong vòng 4 tháng nay. Thống kê liên tiếp từ tháng 8 đến tháng 11/2017, mỗi tháng trung bình thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật các loại; trong khi từ tháng 1 đến tháng 7/2017, trung bình mỗi tháng phẫu thuật 750 ca… Trong khi đó, BVĐK tỉnh chỉ có 2 bác sĩ GMHS để đáp ứng công việc phẫu thuật ngày càng quá tải.

Trước tình trạng này, Sở Y tế đã mời cơ quan BHXH họp và có 2 văn bản kiến nghị lên Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để có ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc trong công tác thực hiện các ca phẫu thuật tại địa phương nếu không có bác sĩ GMHS.


D.Hiền
Ý kiến của bạn