Quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ
Trước tình hình này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản khẩn chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giải tán, không để tụ tập đông người tránh lây lan dịch bệnh.
Nhân dân đi bộ,tập thể dục quanh hồ Xuân Hương - Đà Lạt trong mùa dịch.
Theo ghi nhận, tại TP.Đà Lạt và TP. Bảo Lộc là 02 khu vực đô thị, có số người đi tập thể dục (buổi sáng và buổi tối) đông nhất; do đó, UBND TP. Đà Lạt đã ban hành Công điện hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19; trong đó, yêu cầu mọi người không tập thể dục tại khu vực trung tâm thành phố, nơi công cộng. Công điện có nội dung: “Không tập thể dục tại các khu vực trung tâm thành phố (xung quanh hồ Xuân Hương, các công viên) và các khu vực công cộng; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiếu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...”.
Tại TP.Bảo Lộc, UBND TP đã “Cấm tập trung vui chơi, đi bộ tại Quảng trường 28 Tháng 3 và nhiều khu vực công cộng”. Theo đó, Bảo Lộc đã huy động các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 gồm công an, dân quân, cán bộ văn hóa, mặt trận và thanh niên chốt chặn tại 3 cửa ra vào Quảng trường 28 Tháng 3 để tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch.
Nhắc nhở tụ tập đông người, không giữ cự ly khoảng cách theo quy định.
Ngoài ra, Đà Lạt đã Lập 5 chốt di động nhắc nhở người dân ra đường mà không có lý do chính đáng; đồng loạt ra quân, huy động các lực lượng tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở nhà, không tụ tập đông người, xử phạt các trường hợp vi phạm...
Từ những hoạt động kịp thời, quyết liệt này, tình trạng cán bộ, công chức, viên cức và người dân tập thể dục, ra đường, tụ tập đông người đã hạn chế đáng kể.
Nhiều hoạt động thiết thực và kịp thời trong phòng chống dịch
Thực hiện Lời kêu gọi Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ toàn Đảng, toàn dân, toàn quốc chống dịch, hiện nay, các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều hoạt động rất thiết thực với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Theo đó, hàng ngàn suất quà do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (tại Đà Lạt), Đoàn thanh niên các địa phương, nhiều tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm đã quyên góp, tặng cho các hộ nghèo, các trường hợp khó khăn. Đảng ủy, UBND các phường trên địa bàn TP. Đà Lạt đã trao 53 suất quà (gạo, mì gói, dầu ăn, đường và 300.000 đồng tiền mặt cho những người bán vé số dạo, các gia đình chính sách, hộ khó khăn, hộ cận nghèo trên địa bàn (trị giá mỗi suất quà 600.000 đồng).
Công an, quân đội, phụ nữ, thanh niên cùng may khẩu trang tặng người dân phòng dịch.
Theo ghi nhận, trên địa bàn Đà Lạt có hơn 100 người chuyên đi bán vé số dạo, do ảnh hưởng dịch COVID-19 không có việc làm, thu nhập nên rất khó khăn. Do đó, được nhận quà tặng lần này là hết sức kịp thời, thiết thực đối với những trường hợp này.
Đặc biệt, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân, tương ái chia sẻ với cộng đồng, người dân vùng khó khăn thất bác vì nắng hạn và cũng là vùng dịch tỉnh bạn, nhiều ngày qua, bà con nông dân các vùng sản xuất rau, củ, quả của tỉnh Lâm Đồng và bà con tiểu thương ở Lâm Đồng đã vận động và chuyển tặng hàng chục tấn rau, củ cho nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Anh Nguyễn Khắc Hậu - đại diện Nhóm tình nguyện huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết: Sau hơn 2 tuần phát động, các vựa rau, đơn vị kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng hơn 30 tấn nông sản gồm các loại rau, củ, quả cho người dân vùng dịch tỉnh Ninh Thuận.
Khi nghe tin nhiều người dân Ninh Thuận phải thực hiện cách ly nhưng đang thiếu thốn nguồn nông sản, chị Nguyễn Thị Hường (huyện Đức Trọng) – một người mua bán nông sản nhỏ tại chợ Phi Nôm (Đức Trọng) đã liên hệ với nhóm tình nguyện huyện Đức Trọng để ủng hộ 2.000m2 rau xà lách (khoảng 4 tấn rau) giúp đỡ những người dân vùng dịch. Chị mong muốn: Người dân vùng dịch yên tâm lo sức khỏe, hãy ăn uống đầy đủ, cố gắng vượt qua dịch bệnh.
Không chỉ hỗ trợ về nông sản, nhiều người dân, cơ sở kinh doanh ở Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt… còn có nhiều hình thức hỗ trợ khác như: hỗ trợ xe vận chuyển, xăng dầu, đóng góp ngày công tham gia thu hoạch, sơ chế, đóng gói nông sản, nhằm đảm bảo nguồn nông sản đến người dân vùng dịch đạt chất lượng tốt nhất…
Tặng quà cho người nghèo, những người đi bán vé số lẻ.
Ông Nguyễn Huỳnh Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) chia sẻ: Đối với người dân xã Phước Nam, đặc biệt hơn 1.000 hộ đồng bào Chăm ở thôn Văn Lâm, cuộc sống của người dân vốn đã gặp rất nhiều khó khăn do hạn hán kéo dài, không có nước để sản xuất. Hai ca nhiễm COVID-19 xuất hiện ngày 18/3, với người trong thôn như cái “hạn kép” khiến cuộc sống vốn khó khăn càng khốn đốn hơn. Toàn thôn bị cách ly cũng đồng nghĩa là người trong thôn sẽ không được ra ngoài, việc mưu sinh, đi làm thuê cũng đành gác lại.
Việc được nhân dân Lâm Đồng tặng quà là việc làm hết sức nhân văn, ý nghĩa kịp thời đã giúp hơn 1.000 hộ, với 5.000 nhân khẩu ở thôn nghèo của tỉnh Ninh Thuận có thể “cầm cự” trong 30 ngày cách ly, góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.
Ngoài ra, phong trào may khẩu trang được phát động mạnh mẽ trong các tổ chức đoàn thể nhân dân. Đến thời điểm này đã có hơn 10.000 chiếc khẩu trang do các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công ân, quân đội và cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gửi tặng kịp thời đến các vùng dịch.
Ngày 5/4, ông Bùi Nguyên Cảnh và ông Xuân ở thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã đến Sở Y tế Lâm Đồng và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng tặng 500 bộ trang phục phòng hộ chống dịch bệnh COVID-19, gồm: kính bảo hộ, bộ quần áo, khẩu trang, găng tay, với chất liệu vải không dệt kháng khuẩn, dễ dàng phân hủy mà không gây ảnh hưởng môi trường.
Với sự hỗ trợ thiết thực và kịp thời, nguồn trang phục y tế sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng phân bổ và sử dụng hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh sắp tới.