Lâm Đồng: Khoan lắp đường hầm “đặc biệt” mở lối thoát cho 12 nạn nhân mắc kẹt

17-12-2014 10:08 | Thời sự
google news

Sáng nay hàng chục chiến sĩ công binh của Quân khu 7 được điều động tới hiện trường, hỗ trợ đưa các nạn nhân ra ngoài sớm nhất có thể.

Cháo, sữa và khí ôxy tiếp tục được truyền vào cho 12 nạn nhân qua ống thông. Việc liên lạc được với các nạn nhân khiến lực lượng cứu hộ có thêm động lực. Những người thân đợi phía ngoài cũng vỡ òa niềm vui.

 

8h35', một xe cứu hộ được đưa vào trong hầm. Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Phú Tư, Phó trưởng Công an huyện Lạc Dương, cho biết công tác cứu hộ hiện tại vẫn là truyền thức ăn, bơm ôxy cho các nạn nhân; hút nước từ trong đoạn hầm bị sập ra. Phía khác khoan đào tại vị trí sập để mở lối thoát cho 12 người mắc kẹt.

Sáng nay hàng chục chiến sĩ công binh của Quân khu 7 được điều động tới hiện trường, hỗ trợ đưa các nạn nhân ra ngoài sớm nhất có thể.

Khẩn trương đưa gỗ vào dựng hầm chữ A theo phương án cứu hộ mới. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Khẩn trương đưa gỗ vào dựng hầm chữ A theo phương án cứu hộ mới. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cũng đã điều động 100 chiến sĩ đến phối hợp cứu hộ. Nhiệm vụ chính của các chiến sĩ là vận chuyển gỗ, các vật liệu, trang thiết bị về khu vực tập kết để chuyển vào bên trong hầm và sẵn sàng hỗ trợ công tác cứu hộ.

Trước đó, lúc 23h đêm qua, ông Phan Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cũng cho biết đang lắp đặt một hệ thống đường ống kết cấu hình chữ A với đường kính khoảng 4 mét xuyên qua đoạn hầm bị sập, để làm lối thoát, đưa 12 công nhân ra ngoài. Hệ thống đường hầm “đặc biệt” này sẽ giúp ngăn chặn lớp đất đá có thể sập tiếp xuống khi quá trình cứu hộ đang diễn ra.

8h10', lực lượng cứu hộ tiếp tục chuyển thức ăn gồm cháo, sữa... và bơm ôxy vào cho 12 nạn nhân. Việc liên lạc được với các nạn nhân, nghe tiếng nói và biết thông tin họ vẫn khỏe mạnh khiến các lực lượng cứu hộ có thêm động lực. Những người thân đợi phía ngoài cũng vỡ òa niềm vui. 12 nạn nhân trao đổi với bên ngoài qua ống thông và qua thiết bị bộ đàm chuyên dụng của quân đội.

Sữa được bơm vào một đường ống nhỏ, luồn qua ống thông đưa vào cho các nạn nhân. (Ảnh: VietNamnet)
Sữa được bơm vào một đường ống nhỏ, luồn qua ống thông đưa vào cho các nạn nhân. (Ảnh: VietNamnet)

7h12’ sáng nay, 17/12, gần trọn 24 giờ sau vụ sập hầm, một xe của Ban Chỉ huy quân sự Đồng Nai được tăng cường đưa lên, đang đào xới phía cửa hầm để thực hiện kế hoạch lắp đặt đường ống chữ A thông với khu vực hầm sập làm 12 công nhân mắc kẹt.

Toàn cảnh vụ sập hầm và phương án cứu hộ (Đồ họa: Ngọc Diệp)
Toàn cảnh vụ sập hầm và phương án cứu hộ (Đồ họa: Ngọc Diệp)

Được biết, hiện tại, lối thông với nhóm công nhân gặp nạn chưa mở được rộng hơn, vẫn chỉ đủ để chuyển lương thực, nước uống vào trong hầm. Bất lợi lớn nhất hiện tại là các nạn nhân phải ngâm nước nhiều giờ trong đêm (nhiệt độ xuống chỉ khoảng 15 độ C) nên rất lạnh.

Lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm qua và đã liên lạc được với các nạn nhân thông qua ống thông đã khoan được. Các nạn nhân vẫn khỏe mạnh nhưng rất mệt, lạnh và đói. 12 bình ôxy, nước gừng, sữa đã được chuyển vào bên trong.

Việc liên lạc với các nạn nhân đã thành công. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Việc liên lạc với các nạn nhân đã thành công. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

 

Thủ tướng yêu cầu huy động mọi lực lượng, phương tiện cứu nạn 12 công nhân

Ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 2583/CĐ-TTg về việc tổ chức cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo.

Theo công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Theo Dân Trí

 


Ý kiến của bạn