Lâm Đồng đình chỉ công tác với trưởng phòng quản lý đô thị Đà Lạt

01-07-2023 09:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau vụ sạt lở ta - luy nghiêm trọng ở đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều chỉ đạo nóng và đình chỉ công tác đối với trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt.

Dừng cấp phép công trình ở nơi có nguy cơ sạt lở

Theo một số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, việc diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nhiều nhà cao tầng được xây trên khu vực dốc cao cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt, sạt lở đất.

Mới nhất là vụ sạt lở đất tại đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt, Lâm Đồng) xảy ra ngày 29/6 đã làm tử vong 2 người, bị thương 5 người.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, ngay khi tiếp nhận các nạn nhân trong vụ sạt lở, bệnh viện đã khẩn trương tiến hành điều trị, chăm sóc một cách tốt nhất. Đến nay, trong số 5 người bị thương đã có 2 người xuất viện, 3 người còn lại còn lại sức khỏe ổn định, tinh thần không còn hoảng loạn.

Sau sự việc đau lòng, để hạn chế tối đa các vụ sạt lở tương tự xảy ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh ta-luy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt, sạt lở trong mùa mưa để tiến hành đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Đình chỉ công tác đối với trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và các tập thể có liên quan trong việc cấp Giấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên.

Chủ động ứng phó sạt lở ở Lâm Đồng - Ảnh 2.

Vụ sạt lở sáng 29/6 ở đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) đã làm 2 người tử vong, 5 người bị thương

UBND TP Đà Lạt dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực ta-luy cao có nguy cơ sạt trượt, sạt lở. Kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực có địa hình đồi, dốc có nguy cơ sạt lở để cảnh báo, yêu cầu người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, di dời ra khỏi khu vực nguy cơ sạt trượt có thể xảy ra. Đồng thời, quan trắc tại các công trình đang xây dựng và các vị trí bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt, sạt lở để đề ra giải pháp ứng phó. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Kích hoạt phương án ứng trực thiên tai, sạt lở

Cùng với Đà Lạt, các huyện, thành phố khác ở Lâm Đồng dừng việc cấp phép đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách và ngoài ngân sách, nhà ở do người dân đầu tư) tại các khu vực có độ dốc lớn, có nguy cơ mất an toàn để đánh giá, đưa ra các giải pháp thiết kế, thi công đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình tại khu vực này trước khi cấp phép xây dựng.

Chủ động ứng phó sạt lở ở Lâm Đồng - Ảnh 3.

Nhiều khu vực ven đồi dốc cao ở Lâm Đồng sẽ được rà soát và chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở

Kích hoạt phương án sẵn sàng ứng trực của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cấp huyện ở mức cao nhất. Sẵn sàng phương tiện để ứng phó khi có sự cố thiên tai, sạt lở xảy ra. Kiểm tra, phát hiện kịp thời các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực dân cư, trường học, cơ quan, công trường, khu vực khai thác khoáng sản để chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Giám sát chặt chẽ vấn đề an toàn lao động và cứu hộ, cứu nạn; chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai và triển khai các giải pháp để thực hiện công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão.

Vụ sạt lở ở Đà Lạt: Nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấyVụ sạt lở ở Đà Lạt: Nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy

SKĐS - Thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã được tìm thấy.


Hưng-Anh
Ý kiến của bạn