*PV: Thưa Tiến sĩ, nhận định tình hình SXH hiện nay ở KV phía Nam và Tây Nguyên như thế nào?
- Hiện nay bệnh SXH đang có diễn tiến phức tạp ở KV phía Nam (KVPN) và Tây Nguyên với số mắc và tử vong tăng cao đột biến so với những năm trước. Cho đến nay số mắc SXH tại KVPN có tăng so với cùng kỳ năm 2015 nhưng so với ngưỡng nguy cơ thì số mắc toàn khu vực vẫn thấp hơn 34%. Trong 4 tuần gần đây nhất, số mắc SXH đã giảm so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù vậy, đang có sự gia tăng số mắc cục bộ tại một số địa phương: Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre.
Dự báo trong thời gian tới số mắc SXH sẽ tăng nếu không kiên trì thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, do những tháng tới là thời gian cao điểm về bệnh SXH với đỉnh dịch kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Do vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phòng chống SXH, đặc biệt là tại các tỉnh đang có sự gia tăng số mắc SXH để duy trì đà giảm, từ đó kiểm soát tình hình bệnh SXH tại khu vực.
*PV: Lâm Đồng có phải là địa phương có bệnh SXH “mới nổi lên”? TS có thể giải thích vì sao SXH lại gia tăng tại Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên?
- SXH là bệnh do muỗi lây truyền. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, kéo theo dịch bệnh SXH gia tăng. Ở những vùng cao như Lâm Đồng, nói riêng và Tây Nguyên, nói chung vào cuối năm, nhiệt độ thường hạ thấp khiến muỗi cũng chết hoặc ít đi. Đợi đến mùa hè, điều kiện thuận lợi, muỗi mới bắt đầu phát triển trở lại và phải mất thời gian để muỗi có thể lây truyền bệnh trở lại trong năm mới.
Nhưng đầu năm 2016, do bị tác động bởi hiện tượng El Nino, nhiệt độ tăng lên ngay cả trong mùa đông của những vùng cao, khiến cho mật độ muỗi không hạ thấp vào mùa đông như mọi năm. Muỗi được duy trì suốt năm, đồng nghĩa mầm bệnh cũng duy trì suốt, góp phần làm tăng nhanh SXH trong mùa nóng năm nay.
*PV: TS cho biết mô hình và giải pháp can thiệp phòng chống SXH tại KVPN? Riêng Lâm Đồng có biện pháp gì đặc thù hơn không?
- Biện pháp căn cơ trong kiểm soát bệnh SXH là diệt lăng quăng, diệt muỗi truyền bệnh. Từ đầu năm đến nay, KVPN đã thường xuyên và kiên trì thực hiện tất cả các biện pháp can thiệp để diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng bệnh. Các biện pháp này rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ các ban ngành, đoàn thể xã hội và sự hợp tác của người dân.
Với tình hình bệnh SXH hiện nay, Lâm Đồng cần: Sự tham gia trực tiếp của hệ thống chính quyền các cấp để trực tiếp chỉ đạo, huy động nguồn lực và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động can thiệp, phòng chống SXH. Phối hợp liên ngành để có thêm lực lượng thực hiện quyết liệt các biện pháp can thiệp. Mỗi người dân, mỗi thành viên trong hộ gia đình có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng chống SXH với những hành động đơn giản, thiết thực nhằm “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp... Thường xuyên thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn… Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh SXH.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh tại khu vực phía Nam và Tây Nguyên.
*Việc phối hợp Y tế -Giáo dục phòng chống bệnh SXH có ý nghĩa thiết thực như thế nào trong tình hình hiện nay?
- Liên ngành Y tế - Giáo dục nhằm huy động nguồn lực rất lớn về nhân lực, cũng như việc thay đổi hành vi và đặc điểm xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, nói chung và SXH, nói riêng, nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước đây, các hoạt động liên ngành mới mang hình thức các buổi nói chuyện một chiều hoặc diễu hành mang tính một chiều chưa có thay đổi hành vi. Những mô hình dự kiến đưa ra sẽ tạo tính lan tỏa, trọng tâm phải là giáo viên, học sinh. Nghĩa là giáo viên hướng dẫn cho học sinh, học sinh trở về nhà và kiểm tra hoạt động dọn dẹp xung quanh nhà mình, sau đấy báo cáo lại trường để có đánh giá; đặc biệt có kiểm tra chéo giữa học sinh cũng như y tế xã, phường kiểm tra. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh học sinh cũng như trạm y tế. Làm thế nào các hoạt động đi vào cuộc sống để cho nơi nào làm tốt thì khen thưởng, nơi nào hoạt động chưa đạt yêu cầu sẽ được phát hiện, chấn chỉnh để làm tốt hơn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động tại cộng đồng, có như vậy mới hy vọng việc phòng chống SXH đạt hiệu quả cao hơn.
*PV: Như vậy, liên ngành Y tế -Giáo dục trong phòng chống SXH có phải chúng ta kỳ vọng một giải pháp lâu dài, bền vững từ sự thay đổi hành vi của thế hệ trẻ?
- Để cho giải pháp lâu dài, bền vững này phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến tỉnh, đến huyện, nhưng hiện nay các mô hình phòng chống SXH mang tính lẻ tẻ, ở từng địa bàn cấp huyện, xã, phường, chưa có sức lan tỏa lớn. Dần dần, giữa Y tế -Giáo dục và Truyền thông sẽ có đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn chỉnh mô hình trước lúc nhân rộng ra các địa bàn khác.
*PV: Cảm ơn TS!