Hà Nội

Lâm Đồng: Bất an với cung sạt lở dài hàng trăm mét ở đồi thông 35 ha

09-10-2024 14:53 | Xã hội
google news

Sau những trận mưa lớn liên tục mấy ngày qua, khu vực đồi thông rộng 35 ha thuộc xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý xuất hiện nhiều điểm trượt lở, vết nứt, khiến hàng chục hộ dân trong khu vực nơm nớp lo sợ.

Lâm Đồng: Bất an với cung sạt lở dài hàng trăm mét ở đồi thông 35 ha- Ảnh 1.

Đất đá sạt lở ngổn ngang ngay phía sau nhà các hộ dân thuộc Tổ 24 (thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).

Nằm cách ngã 3 Fi Nôm (tuyến Quốc lộ 20) không xa, những người dân ở khu dân cư thôn Quảng Hiệp và Fi Nôm (xã Hiệp Thạnh) luôn thấp thỏm mỗi khi trời mưa lớn bởi ngọn đồi thông phía sau khu dân cư có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN vào sáng 9/10, dù trời nắng nhưng khu vực đồi đất phía sau khu dân cư thuộc tổ 24, thôn Quảng Hiệp đất vẫn nhão nhoẹt. Dấu vết đất bị nước cuốn trôi từ chân đồi thông phía sau nhà người dân ra phía trước đường đi vẫn chưa khô hết. Theo quan sát, đoạn chân đồi bị sạt lở phía sau nhà ông Vũ Xuân Trường (42 tuổi, tổ 24, thôn Quảng Hiệp, xã Hiệp Thạnh) và các hộ dân khác ngổn ngang đất đá, cây bụi. Trong đó, có nhiều vết đất mới chỉ xuất hiện sau các trận mưa.

Lâm Đồng: Bất an với cung sạt lở dài hàng trăm mét ở đồi thông 35 ha- Ảnh 2.

Vệt sạt lở trên đồi thông rộng 3 5ha hiện đã hình thành một cung trượt lở kéo dài từ phía Tổ 24 (thôn Quảng Hiệp) vòng ra phía sau thuộc Tổ 30 (thôn Fi Nôm) với chiều dài khoảng 100m, chiều cao khoảng 10m.

Ông Vũ Xuân Trường, chủ ngôi nhà sát phía chân đồi cho hay, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sạt lở ở khu vực này. Cách đây khoảng hai năm đã xảy ra tình trạng sạt lở và kéo dài mãi đến nay. Mỗi khi trời mưa to, đất và nước từ trên đồi thông đổ xuống càng nhiều nên gia đình ông phải di dời để đảm bảo an toàn.

Theo quan sát của phóng viên, vệt sạt lở hiện đã hình thành một vòng cung kéo dài từ phía tổ 24 (thôn Quảng Hiệp) vòng ra phía sau thuộc tổ 30 (thôn Fi Nôm) với chiều dài khoảng 100m. Hiện đoạn chân đồi này như một bờ taluy đất dựng đứng với chiều cao khoảng 10m, có nhiều điểm đã bị trượt lở đất đá, cây thông sau mấy trận mưa lớn. Đáng chú ý, tại một số đoạn gần khu dân cư hiện vẫn có tình trạng nước chảy kèm bùn đất đỏ từ phía đồi thông xuống nhà dân. Trên phía đỉnh đồi hiện cũng xuất hiện hàng chục vết nứt lớn nhỏ, kéo dài hàng chục mét, rất dễ đổ ập xuống khu dân cư bên dưới nếu trời mưa lớn kéo dài.

Lâm Đồng: Bất an với cung sạt lở dài hàng trăm mét ở đồi thông 35 ha- Ảnh 3.

Một vết nứt trên đỉnh đồi thông rộng khoảng 30cm, kéo dài hàng chục mét hiện đã bị ngậm nước sau những trận mưa kéo dài.

Theo ông Vũ Xuân Trường, trên đỉnh hiện có hàng chục vị trí nứt toác, bề mặt hở vài cm cho đến 20 – 30cm, độ sâu của vết nứt có chỗ từ 2 – 4m, rất nguy hiểm. Người dân chỉ mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có phương án hạ tải đất trên đỉnh đồi để yên tâm sinh sống, sản xuất.

Ông Lục Thanh Phong (cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh) cho biết, qua thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 50 – 60 hộ dân trong khu vực thôn Quảng Hiệp và Fi Nôm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất. Trong đó, khoảng 20 – 30 hộ có nguy cơ cao nên các ngành chức năng đã tiến hành ký cam kết di dời khi mưa lớn. Hiện tượng sạt lở  khu vực này đã kéo dài khá lâu nhưng hiện nay do mưa nhiều, úng nước cục bộ nên rất dễ sạt lở thêm. Ban Quản lý rừng phối hợp với địa phương ứng trực để kiểm tra và giám sát, đặc biệt khu vực đồi đất 35 ha.

Lâm Đồng: Bất an với cung sạt lở dài hàng trăm mét ở đồi thông 35 ha- Ảnh 4.

Phía trên đỉnh đồi thông 35 ha cũng xuất hiện hàng loạt vết sạt lở, sụt lún lớn nhỏ.

UBND xã Hiệp Thạnh phối hợp với các thôn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn, qua đó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân khi xảy ra mưa lớn. Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) Phan Quang Thạnh cho biết, trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, địa phương đã gắn biển cảnh báo, vận động bà con di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm khi trời mưa lớn. Đồng thời, địa phương đang kêu gọi các đơn vị, nhà tư vấn thiết lập hồ sơ thiết kế để hạ tải đồi đất nêu trên nhằm đảm bảo an toàn về lâu dài cho người dân yên tâm sinh sống.


Theo Nguyễn Dũng (TTXVN)
Ý kiến của bạn