Hà Nội

Làm đẹp ngày xuân

17-01-2020 12:15 | Mỹ phẩm
google news

SKĐS - Một trong những nguyên tắc làm đẹp của y học cổ truyền là phải “thuận ứng theo mùa”, bởi lẽ thời tiết 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông có nhiều điểm khác nhau nên sự ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng đối với sức khỏe nói chung và vẻ đẹp của làn da nói riêng cũng có nhiều điểm riêng biệt.

Quan điểm chung là phải đảm bảo tính chỉnh thể, sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp khác nhau như tinh thần thư thái, ăn uống hợp lý, tập luyện tích cực, dùng thuốc an toàn, trọng dụng các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên...

Trọng dụng các thực phẩm làm đẹp

Mùa xuân là lúc da dẻ cần được nuôi dưỡng và bảo vệ nhất vì những tổn hại mà da phải trải qua trong mùa đông là rất lớn; vả lại, yêu cầu chỉnh trang để chuẩn bị đối phó với mùa hạ nóng nực cũng không kém phần quan trọng. Có thể dùng bí đao (còn gọi là bí xanh - đông qua) vị ngọt, tính mát, có công dụng nhuận phu, tăng bạch, giảm phì (làm nhuận và trắng da, giảm béo). Đây là một thực phẩm lý tưởng dành cho những người béo phì. Sách Thực liệu bản thảo viết: “Nếu muốn thân thể mạnh khỏe nhẹ nhõm nên thường xuyên ăn bí đao”; Dưa chuột (còn gọi là hoàng qua, thích qua, ngũ qua...) vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt chỉ khát, lợi thủy tiêu thũng, thanh hỏa giải độc, thường được dùng để dưỡng da, làm sáng da và phòng chống vết nhăn; Cà rốt (còn gọi là củ cải hang), vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ tiêu thực, nhuận tràng, bổ can minh mục, thanh nhiệt giải độc, thường dùng để dưỡng da, trị chứng da khô, trứng cá đầu đen, mụn nhọt... Đây là loại thực phẩm giàu vitamin A, B, C có lợi cho quá trình chuyển hoá và tái tạo da; vừng (còn gọi là chi ma, hồ ma, cự thắng, mè...) vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, ích tinh huyết, nhuận tràng, làm đen tóc đẹp da; Đậu nành (còn gọi là đậu tương, hoàng đậu, hoàng đại đậu...) vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ lợi thấp, ích huyết bổ hư, giải độc, dưỡng da, làm đen tóc. Đây là loại đậu rất giàu chất đạm và các acid béo không no có lợi cho việc nuôi dưỡng da và râu tóc. Ngoài ra, một số thực phẩm khác cũng có tác dụng dưỡng da và làm trắng da như ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), cải trắng, gừng tươi, đại táo, măng trúc, nấm hương, hạt hướng dương, lạc, hoài sơn (củ mài)...

Các bài tập khí công làm đẹp

Còn gọi là khí công mỹ dung, đây là những phương pháp tập luyện thông qua sự kết hợp giữa ý niệm, hơi thở và vận động chi thể để làm lưu thông huyết mạch, sướng đạt khí cơ, điều hòa âm dương, bồi dưỡng chính khí nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, từ đó mà đạt được mục đích làm cho cơ thể luôn trẻ, khỏe và đẹp. Có thể dùng: Đồng diện công có nguồn gốc từ Đạt ma khí công, là phương pháp thứ 6 trong 11 phương pháp tập luyện khí công dưỡng sinh của Đạt ma sư tổ; Hồi xuân công, phương pháp này thuộc về khí công Đạo gia phái Hoa Sơn, do Biên Trị Trung chỉnh lý và hoàn thiện. Vì có công dụng hồi xuân, làm trẻ hóa cơ thể và phục khí dưỡng thận nên còn có tên là “Phục khí Dưỡng thận Du công”; Bảo kiện công có tác dụng khinh thân giảm phì (làm nhẹ người, phòng chống thừa cân và béo phì), điều hòa công năng các tạng phủ và làm tinh thần được sảng khoái; Khí công xóa nếp nhăn và làm đẹp là phương pháp được phổ biến trên tạp chí Khỏe và đẹp số 5, năm 1992 ở Trung Quốc. Phương pháp này có tác dụng kích thích các huyệt vị châm cứu ở vùng mặt khiến cho khí huyết được lưu thông, da dẻ trở nên nhu nhuận và tươi sáng, giảm bớt các vết nhăn, vết nám. Ngoài ra, còn rất nhiều phương pháp khí công mỹ dung khác như Tiểu chu công giảm phì, Vận khí pháp số 8, Đạo gia trụ nhan nhuận phu công, Đầu diện công, Lục tự quyết, Đông phương kiện mỹ giảm phì công, Nhuận phu công...Đặc điểm chung của chúng là luôn coi trọng điều chỉnh toàn diện thân tâm, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết... nhằm đạt được cái đẹp mang tính chỉnh thể. Có thể tìm hiểu các bài tập này trên mạng hoặc các sách viết về khí công mỹ dung.

Bài thuốc làm đẹp da mặt

Trong y học cổ truyền có vô số bài thuốc có công dụng này, trong đó Thất bạch cao là bài thuốc điển hình có công dụng nhuận da, làm da tươi sáng, thường được dùng để dưỡng da đối với da bình thường và để điều trị các trường hợp da khô, da thô, da nhiều nếp nhăn và có các vết thâm do ứ đọng sắc tố. Bài thuốc do Hứa Quốc Trinh - y gia trứ danh đời Nguyên (Trung Quốc) chế ra và được ghi trong cuốn Ngự dược viện phương nổi tiếng của ông. “Thất” có nghĩa là 7, “bạch” là chữ đầu trong tên gọi của các vị thuốc và cũng hàm nghĩa là làm trắng, làm sáng da, “Thất bạch cao” là loại thuốc cao được chế từ 7 vị thuốc cùng có chữ “bạch” đứng đầu trong tên gọi. Công thức cụ thể của bài thuốc gồm: bạch chỉ 30g, bạch cập 4,5g,  bạch truật 30g, bạch phụ tử (sống) 9g, bạch liễm 30g, bạch tế tân (bỏ lá, đất) 9g và bạch linh (bỏ vỏ) 9g. Cả 7 vị thuốc sấy khô, nghiền thành bột, trộn với lòng trắng trứng gà, làm thành viên to bằng đầu đạn, phơi khô trong bóng râm. Mỗi tối trước khi đi ngủ, rửa mặt thật sạch, lấy 1 viên thuốc hòa với nước ấm (nếu có nước vo gạo thì càng tốt) rồi xoa nước này lên mặt, để qua đêm, sáng hôm sau rửa sạch. Theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, các thuốc có công dụng làm đẹp được chia thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm thuốc làm nhuận và trắng da. Nhóm này có 14 vị thường được dùng là bạch chỉ, bạch cập, bạch truật, bạch phụ tử, bạch cương tàm, bạch linh, trân châu, bạch tật lê, đông qua, kê tử bạch, ngọc trúc, thiên môn, sữa bò và hoài sơn. Như vậy, có thể thấy hầu hết các vị thuốc trong Thất bạch cao đều có công dụng dưỡng da, nhuận da và làm da tươi sáng.

Có thể nói, dần theo năm tháng, sức khỏe rồi cũng suy giảm, sắc đẹp rồi cũng tàn phai, chúng ta không thể cưỡng lại được quy luật của tạo hóa. Nhưng, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu và sử dụng hợp lý, tổng hòa các biện pháp làm đẹp của cổ nhân, thường gọi là mỹ dung liệu pháp cổ truyền thì khả năng làm chậm quá trình lão hóa, duy trì dung nhan và kéo dài tuổi thọ là hoàn toàn có thể.


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn