Làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy (filler): Tai biến nguy hiểm, khó hồi phục

02-08-2018 06:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày nay, việc sử dụng chất filler (chất làm đầy) trong thẩm mỹ khá phổ biến. Tuy phương pháp này không cần can thiệp phẫu thuật, nhưng nó lại đòi hỏi kỹ thuật tiêm rất cao và cần được bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện, nếu không sẽ gây những biến chứng khó lường.

Liên tiếp gần đây có các ca tai biến nặng sau tiêm filler là lời cảnh báo tới xu hướng làm đẹp này.

Hỏng mắt chỉ sau 5 phút tiêm chất filler

Ngày 17/7/2018, bệnh nhân P. (nữ, 30 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) trong tình trạng: da căng, sưng bầm vùng mũi và mắt trái, có dấu hiệu tắc mạch và hoại tử dẫn đến mù vĩnh viễn. Trước đó, bệnh nhân đã được tiêm chất filler vào vùng mũi để nâng mũi. Sau khi tiêm khoảng 5 phút, bệnh nhân thấy sưng, đau, đỏ, nhìn mờ, sụp mi... Tiếp đến là bầm da vùng mũi trán bên trái lan rộng...

Trước đó, BV Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp tai biến sưng nề vùng mắt và môi do trước đó có tiêm filler vào môi, mắt và thái dương.

Một trường hợp tím bầm mũi sau bơm filler nâng mũi.

Một trường hợp tím bầm mũi sau bơm filler nâng mũi.

Chất filler là gì?

Filler hay còn gọi là chất làm đầy - là hợp chất có cấu tạo từ acid hyaluronic. Trong đó, một số loại filler được dùng trong thẩm mỹ phổ biến như: estylane, juvederm và radiess. Một số thành phần khác có thể gặp trong các chất làm đầy bao gồm: collagen, acid lactic, calci poly-L-hydroxylapatite.

Đây là một chất được ngành thẩm mỹ dùng để tiêm vào da, tạo khối mô dày dưới nếp nhăn. Mục đích là làm phẳng da hay tăng thể tích một bộ phận nào đó của cơ thể trong thời gian ngắn như các vùng cần nâng độn: các vùng ở mặt (mũi, gò má, môi, thái dương, quai hàm, cằm); ngực; mông; tạo hình đường cong mà không cần phẫu thuật... Chất này là giải pháp thay thế cho silicon lỏng đã bị cấm từ năm 1990. Sau khi tiêm chất làm đầy có hiệu quả trong vòng từ 4-6 tháng, sau đó nếu muốn duy trì làm đẹp thì cần tiếp tục tiêm. Do đó, chi phí làm đẹp cho biện pháp này tương đối cao.

Vì sao filler gây mù mắt?

Trong thực tế lâm sàng vẫn gặp những biến chứng hoại tử vùng tiêm, mù mắt vĩnh viễn hay nguy hiểm hơn cả là nhồi máu não do tiêm filler. Khi tiêm filler, có thể gây biến chứng là do kỹ thuật viên tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng. Hoặc khi tiêm quá liều, chẳng hạn như khi tiêm nhiều hơn 1cc vùng sống mũi, 0.3cc vùng đầu mũi đã có thể gây căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu các cơ quan lân cận, gây hoại tử mũi. Đối với trường hợp bị biến chứng gây mù mắt, mặc dù không phải tiêm filler vào mắt nhưng khi tiêm chất này vào vùng mũi có thể dẫn đến phù nề, chèn ép gây hoại tử tại chỗ, từ đó ảnh hưởng đến vùng xung quanh, gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, tăng nhãn áp, từ đó gây mù lòa... Các vị trí tiêm có thể gây biến chứng mù mắt là: tiêm filler sống mũi và rãnh mũi má; tiêm vùng rãnh cau mày và những nếp nhăn trán; tiêm filler vùng thái dương và da đầu.

Ngoài biến chứng gây mù mắt thì khi tiêm filler tại vị trí nào, nếu kỹ thuật tiêm không đúng cũng có thể gây biến chứng tại vị trí đó. Chẳng hạn tiêm filler để nâng ngực (hoặc độn mông) có thể chất này chèn ép gây tắc mạch, vỡ mạch, chèn ép các mô gần vùng tiêm, gây tắc tuyến sữa, biến dạng tuyến sữa... dẫn đến biến chứng tím bầm quanh vùng được tiêm và hoại tử.

Đối với nam giới, khi sử dụng kỹ thuật tiêm filler vào dương vật nhằm cải thiện kích thước “cậu nhỏ”, có thể gặp biến chứng gây tắc mạch, hoại tử thể hang, thể xốp, biến dạng dương vật... Lúc này thì “tiền mất tật mang; chữa lợn lành thành lợn què”.

Một nguyên nhân nữa gây biến chứng - đó là do nhiễm trùng. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu quy trình tiêm không thực hiện nguyên tắc vô khuẩn. Mỗi loại filler lại được chỉ định dùng cho mỗi vùng khác nhau. Nếu sử dụng sai loại cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Cách giảm thiểu rủi ro do filler

Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm - Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Để việc làm đẹp từ chất filler an toàn nhất, nên tìm đến các bệnh viện có trung tâm thẩm mỹ với các bác sĩ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để được tư vấn và thực hiện kỹ thuật tiêm chất này. Bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hiểu rõ giải phẫu mạch máu vùng cần tiêm và tránh tiêm filler vào những vùng nhiều mạch máu, giúp giảm biến chứng phù nề nhất... Trường hợp không may bị biến chứng, cần xử trí biến chứng mù mắt do filler giai đoạn sớm.

Acid hyaluronic được sử dụng rộng rãi trên thị trường và đi kèm với nó là thuốc giải acid hyaluronic bằng hyaluronidase. Tuy vậy, khác với những vùng khác trên cơ thể, không thể tiêm trực tiếp hyaluronidase vào động mạch mắt hay động mạch trung tâm võng mạc bởi nó nằm khá sâu trong ổ mắt. Mà phải thực hiện tiêm vào hốc ổ mắt, nhờ vào tính thẩm thấu của hyaluronidase trong toàn ổ mắt mà thấm được vào động mạch trung tâm võng mạc làm tan acid hyaluronic và tái tưới máu cho các tế bào thị giác.

Việc tiêm hyaluronidase sẽ được thực hiện ở giai đoạn sớm khi bắt đầu có những triệu chứng như đau nhức mắt, nhìn mờ trong vòng 10 phút đầu tiên của diễn tiến. Đối với các trường hợp được xử trí muộn, khả năng phục hồi thị lực cho mắt là khá thấp.


Thu Hà
Ý kiến của bạn