Làm dâu trăm họ khó lắm...

12-11-2013 11:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

So với rất nhiều ngành, ngành y và công an là những ngành tiếp xúc với dân thường xuyên nhất. Gần một thập kỷ trở lại đây, số lượng người mắc bệnh tăng lên gấp nhiều lần so với năm, mười năm trước đây, khi mức độ ô nhiễm vì các loại khí thải của các phương tiện tham gia giao thông đã tăng gấp bội,

Trong xã hội, bất cứ ngành nào cũng giống như cơ thể một con người, khi khỏe mạnh thì cường tráng, khi ốm yếu thì đủ thứ bệnh.

So với rất nhiều ngành, ngành y và công an là những ngành tiếp xúc với dân thường xuyên nhất. Gần một thập kỷ trở lại đây, số lượng người mắc bệnh tăng lên gấp nhiều lần so với năm, mười năm trước đây, khi mức độ ô nhiễm vì các loại khí thải của các phương tiện tham gia giao thông đã tăng gấp bội, rồi hệ luỵ từ thực phẩm không sạch do lạm dụng hóa chất và thuốc tăng trọng mà hậu quả tai hại của chúng là con người phải gánh chịu hết khiến số người mắc bệnh đột nhiên nhiều lên bất thường. Ngành y - ngành nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trị bệnh, cứu người như người làm dâu trăm họ, phải gồng mình lên để phục vụ và chữa chạy những căn bệnh đã được báo trước đó trong những bệnh viện thường xuyên quá tải.

Làm dâu trăm họ khó lắm... 1Nhà viết kịch Chu Thơm.

Chúng ta thử nghĩ xem, nếu một tháng chỉ vào thăm người ốm một lần thôi, trong điều kiện buồng phòng chật chội, bệnh nhân tật bệnh, không khí nặng mùi – về nhà đã muốn tắm rửa thay quần áo. Vậy mà các bác sĩ, y tá, hộ lý hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, xử lý cả những ca bệnh truyền nhiễm, những ca mổ đầy căng thẳng quyết tâm cứu sống tính mạng con người mà sau đó trở về nhà vẫn phải làm tròn nghĩa vụ của cha, của mẹ thì đó là một cố gắng cực kỳ đáng nể.

Có thể nơi này nơi kia có những người thầy thuốc chưa tận tâm, còn có những biểu hiện tiêu cực, thậm chí là thất đức, nhưng đó chỉ là những con sâu mọt, thứ sâu mà cây nào chẳng có. Thậm chí một cái cây thật tươi tốt thì vẫn có thể có sâu, thậm chí là sâu độc.

Đã có thời vì gặp phải một số cảnh sát giao thông nhũng nhiễu, ăn hối lộ trên đường, nhiều lái xe đường dài đã lớn tiếng đề nghị nên bỏ hết các trạm tuần tra. Nhưng rồi chính những người đó lại phải thốt lên rằng, khi vắng bóng những cảnh sát giao thông, họ cảm thấy rất bất an trong đêm vắng.

Sự tồn tại của bất kỳ ngành nào cũng là cần thiết với xã hội, đặc biệt là ngành y - nó trực tiếp với mỗi đời người từ khi sinh ra cho đến khi trở về lòng đất. Trong gia đình nào mà có người làm ngành y đều cảm thấy tự hào, hãnh diện với bạn bè, hàng xóm.

Các sự việc vừa rồi xảy ra trong ngành y do một số thầy thuốc băng hoại y đức về khía cạnh nào đó có thể coi là tai nạn nghề nghiệp, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không những làm cho những người thầy thuốc chân chính phẫn nộ và đau lòng mà gia đình, bạn bè của họ cũng rất buồn. Nhưng nếu chỉ vì những việc làm thất đức của các con sâu ấy mà có cái nhìn méo mó về ngành y, coi phần lớn trong số họ là sâu như coi phần lớn cảnh sát giao thông là những kẻ ăn hối lộ thì quả là rất cực đoan, là “vơ đũa cả nắm”. Người ta vẫn nói: Hãy lấy một cái tốt của một người để tha thứ cho mười cái lỗi của anh ta. Nếu chúng ta mở lòng để nghĩ về công sức của bao thầy thuốc đã giành giật từ tay tử thần bao người mắc trọng bệnh để trả họ về với gia đình và xã hội, chúng ta sẽ thấy ấm lòng vì những người mặc blouse trắng luôn có mặt trong những tình thế hiểm nghèo của cuộc sống mỗi chúng ta.

Tai nạn nghề nghiệp là chuyện có thể xảy ra cũng như chuyện nan giải của ngành y là vấn đề giảm tải bệnh viện qua mấy đời Bộ trưởng vẫn chưa giải quyết được. Những người tâm đức kém trong ngành y là chuyện thực tế. Họ như những con sâu đang đục vào lòng tự trọng nghề nghiệp của đồng nghiệp, vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải bắt được lũ sâu đó, thậm chí loại chúng ra khỏi ngành y chứ không phải phun thuốc trừ sâu vào cả những người tốt.

Vì suy nghĩ như vậy nên tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội là toàn bộ vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường  mang tính cá biệt, bất thường cho nên cần xem xét nó dưới góc độ rất hãn hữu chứ không lấy cái cá biệt này quy trách nhiệm cho Bộ Y tế, cho TP. Hà Nội.

Ngay trong một cơ thể khỏe mạnh đôi khi cũng bị căn bệnh quái ác đánh úp; một gia đình nề nếp nhiều khi cũng nảy sinh những phần tử hư hỏng đột xuất, gây ra những tội ác tày trời đấy thôi...

Nhà viết kịch Chu Thơm


Ý kiến của bạn