Hà Nội đang lên kế hoạch nghiên cứu đề án phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch. GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là người phản đối kế hoạch này. Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với ông xung quanh chủ trương nêu trên.
PV: Thưa ông, hệ thống bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng có ý nghĩa như thế nào trong việc điều tiết nước, dòng chảy, ngăn lũ của sông Hồng với Thủ đô Hà Nội?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Sông Hồng là dòng sông cổ, mà những dòng sông cổ thì không nên động chạm đến nó. Sông Hồng có đáy sông là trầm tích của cả nghìn bồi tụ. Tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không. Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Lòng sông đã tụt xuống đến 1m rồi.
Hệ thống bãi giữa, bãi bồi ven sông là sản phẩm của hoạt động tự nhiên của con sông cổ. Bãi giữa, bãi bồi dù có rộng đến đâu, nhưng khi sông Hồng có lũ do mưa lớn hoặc do thượng nguồn xả nước, sông vẫn đảm bảo được dòng chảy với lượng nước khoảng 30.000 mét khối/giây.
PV: Lũ trên sông Hồng được tính toán với chu kỳ bao nhiêu năm thưa ông?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Tần suất lũ trên sông Hồng được tính toán là 500 năm mới xuất hiện một lần, tuy nhiên nó có thể xảy ra ngày mai hay bất cứ lúc nào. Có thể là 10 năm qua trên sông Hồng không có lũ cấp 1 nhưng độ khoảng 50 năm nữa xuất hiện một trận lũ trên 13,5m thì làm thế nào? Nên không thể đứng quan sát hiện tại, thấy mực nước thấp như thế là cảm thấy an toàn để xây dựng các công trình, tác động vào lòng sông.
PV: Hà Nội đã bao giờ phải đối mặt với nguy cơ lũ dâng từ sông Hồng, thưa ông?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Năm 1996 Hà Nội có mưa lũ, mực nước chỉ còn cách đỉnh đê 20cm. Khi đó tôi là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã phải gặp Tổng Bí thư để xin lệnh mở đập đáy và thông báo cho người dân nếu vỡ đê đoạn nào thì phải tự sơ tán đoạn đó. May mắn là bão không vào nên sau đó thì nước tự rút đi.
PV: Nguyên nhân lũ khi ấy là do đâu?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Là vì có mưa rất lớn ở hạ lưu, trong khi ở thượng lưu hồ chứa Hòa Bình vẫn không đầy nước nhưng lại không có mưa. Chỉ mưa ở trung lưu và hạ lưu, nên ngập hết phía dưới và không ngăn được. Những hiện tượng thời tiết bất thường như thế thì không thể lường trước được.
PV: Ông đánh giá thế nào về phương án Hà Nội sẽ cải tạo bãi bồi, ven sông thành công viên văn hóa du lịch?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Tôi là một trong số ít các nhà khoa học phản đối điều này. Tôi không đồng tình với việc tác động vào lòng sông, bởi nếu làm thế, khi có lũ rất nguy hiểm. Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập rất cao do sông Hồng không đảm bảo khả năng thoát lũ. Những khu vực ở vị trí thấp như ga Hàng Cỏ, chu chợ Giời (Phố Huế) sẽ ngập đầu tiên. Thiên tai bây giờ rất bất thường. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ có mưa lớn.
Thứ hai, nếu xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở hai bên bờ sông ở phía sau công trình. Đồng nghĩa Hà Nội sẽ xói lở ngày càng nghiêm trọng. Sông sẽ "ngoạm" vào hai bên bờ, về lâu dài các khu Tứ Liên, Tây Hồ… sẽ bị xói mòn mãi.
Ba là địa chất ở các bãi bồi ở lòng sông chỉ toàn cát, không có đá, nên rất yếu. Việc xây dựng các công trình trên đó là không ổn.
PV: Thông thường khi mưa lớn thì sông Hồng sẽ đổ nước ra hệ thống sông nhánh, nơi ngập là các tỉnh Hà Nam, Thái Bình…, có đúng không thưa GS?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Về quy luật là thế, nhưng thực trạng nước biển dâng hiện nay đã rất đáng báo động. Theo nghiên cứu thì nước mặn đã xâm nhập đến tận khu vực Thường Tín (Hà Nội). Nước biển dâng càng cao thì dòng chảy của các sông ra biển càng bị ngăn lại, khả năng thoát lũ càng kém. Hà Nội đã từng suýt ngập do mưa lớn thì không có lý do gì hiện tượng đó không tiếp tục xảy ra trong tương lai.
PV: Theo ông, Hà Nội nên làm gì để vừa đảm bảo cảnh quan, vừa tạo điều kiện thoát lũ tốt nhất cho sông Hồng?
GS.TS Vũ Trọng Hồng: Theo tôi, tất cả mọi quy hoạch đều tránh tác động (dù ít hay nhiều) đến lòng sông hay khu vực bãi bồi ven bờ. Cách tốt nhất là tôn trọng tự nhiên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 16/3, Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) có buổi làm việc với Thường trực Quận ủy Long Biên (Hà Nội) về công tác quản lý, sử dụng và phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn hai quận. Tại buổi làm việc, các bên đã nghe đại diện 2 quận báo cáo về công tác quản lý, sử dụng và phương án phát triển bãi giữa sông Hồng trên địa bàn; tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể, từ đó lập đề án nghiên cứu và phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa và du lịch.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng của quận nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quận sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch....
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định phụ thuộc mùa nước từng năm, được tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng một ha) thuộc địa phận quận Long Biên.