Năm 2017 khép lại với nhiều thông tin về những lần đầu làm chủ kỹ thuật cao trên nhiều lĩnh vực của ngành y tế đó là ca ghép phổi đầu tiên, ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam, ca ghép thận chéo đầu tiên, kỹ thuật mới trong chữa vô sinh, ghép tế bào gốc ngoại vi không cùng huyết thống... Những thành công này không chỉ giúp người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật cao tiên tiến ngang tầm quốc tế ngay trong nước mà đã góp phần làm rạng danh thêm y học Việt Nam trong bản đồ y học thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi và động viên người cho phổi trong ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: D. Ngọc
Thêm những bước tiến vượt bậc của chuyên ngành ghép tạng
Là sự kiện tiêu biểu thứ 4 trong 10 sự kiện của ngành y tế năm 2017, có thể nói năm 2017 là năm ghi nhiều dấu ấn của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam. Đầu năm 2017, sự kiện ghi dấu ấn cho y học kỹ thuật cao của ngành y tế Việt Nam nói chung - chuyên ngành ghép tạng nói riêng đó là lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2, do các bác sĩ BV Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho bé.
Ca ghép căng thẳng diễn ra từ 7h30 đến 17h30. Sau ca ghép thành công, cháu bé hồi phục tốt. Theo chuyên gia Nhật Bản, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60,70 thậm chí 80 tuổi.
“Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới”- đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm và chúc mừng bệnh nhân ghép phổi, người cho phổi cũng như các y bác sĩ BV Quân y 103.
Theo Bộ trưởng, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, BV 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.
Tiếp ngay sau đó, tháng 2/2017, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ca ghép thận đổi chéo thành công 2 trường hợp từ người cho thận sống lần đầu tiên ở Việt Nam. Thành công này đã mở ra nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị suy thận mạn.
Cũng về chuyên ngành ghép tạng, giữa tháng 3/2017, BV Việt Đức thông báo đã tiến hành ca ghép tim cho một bệnh nhi (10 tuổi), nguồn tim được lấy từ một người cho chết não. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện ghép thành công quả tim từ người lớn hiến tặng cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống bé trong gang tấc bởi căn bệnh suy tim giai đoạn cuối.
Ít ai biết được rằng, để thực hiện được ca ghép này, các bác sĩ đã trải qua những giây phút “cân não” vô cùng kịch tính, bởi đây là một ca ghép vô cùng khó khăn. Không chỉ khó khi ghép mà còn khó cả khi tìm nguồn tim phù hợp. “Bình thường, đối với những ca ghép khác, sau khi lấy được tim từ người hiến thì mới tiến hành thực hiện phẫu thuật trên người nhận. Nhưng trường hợp này, chúng tôi phải thực hiện đồng thời 2 kíp, vừa mổ lấy tim từ người hiến, vừa phanh ngực người nhận. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mổ đã tạo nên kết quả bất ngờ ngoài sự tưởng tượng đó là quả tim rất vừa vặn trong lồng ngực và đập tốt sau ghép. Tổng thời gian chúng tôi thực hiện ca ghép này là 10 tiếng, nhiều gấp đôi so với những ca ghép tim trước đó”, PGS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực - BV Việt Đức cho biết.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam đã làm chủ ghép được các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi) với trên 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm cháu bé được ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam.
Ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị
BV Bạch Mai (Hà Nội) chính thức khai trương sử dụng hệ thống robot trong phẫu thuật khớp gối và phẫu thuật thần kinh cho thấy đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh, thay khớp gối cho bệnh nhân góp phần đẩy mạnh các kỹ thuật cao trong điều trị, giúp người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Theo đó, 3 bệnh nhân thay khớp gối bán phần và 2 bệnh nhân bị bệnh về thần kinh đã được phẫu thuật miễn phí bằng hệ thống robot hiện đại hàng đầu Việt Nam này.
Đây là hệ thống robot phẫu thuật Mako và Rosa hiện đại nhất tại Mỹ hiện nay, đánh dấu bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ cao của bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung. Theo các bác sĩ, hệ thống robot này cho phép phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh, mất máu ít, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau phục hồi. Đặc biệt, việc thay phẫu thuật bằng robot có độ chính xác gấp 3 lần so với thay khớp gối bằng tay và cho phép mổ nội soi những ca bệnh thần kinh khó, đòi hỏi độ chính xác cao.
Phim chụp đoạn vòi trứng thông tắc của bệnh nhân.
Đầu tháng 4/2017, lần đầu tiên BV Phụ sản Trung ương công bố nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp chữa vô sinh mới đó là kỹ thuật “Nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng”. Theo các chuyên gia, trước đây, những bệnh nhân bị bệnh lý vòi tử cung như tắc tử cung đoạn kẽ phải thực hiện các phương pháp như nội soi, tạo hình tử cung nhưng hiệu quả không cao, nguy cơ với bệnh nhân rất lớn. Vì vậy, những bệnh nhân này chỉ có cách thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để làm thụ tinh trong ống nghiệm và nhiều khi chất lượng trứng không còn tốt nên tỷ lệ thành công thấp. Với kỹ thuật mới nói trên, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam sẽ giúp cho nhiều phụ nữ hiếm muộn được làm mẹ với chi phí rất thấp.
BV Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh ngày 16/11/2017 công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam. Ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên được thực hiện ngày 20/9 cho bệnh nhân Q.D.A (sinh năm 1992, ở Cà Mau) được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML). Đây là một bước tiến, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc không cùng huyết thống phù hợp.
Tại BV Việt Đức, tháng 11/2017, lần đầu tiên một nữ bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh I thực hiện phẫu thuật nội soi u hốc mắt qua đường mũi. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng thành công tại Việt Nam.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, nhờ ứng dụng phẫu thuật nội soi qua đường tự nhiên của cơ thể là lỗ mũi giúp ca phẫu thuật nhẹ nhàng, không đau, không để lại sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí điều trị. Thành công của kỹ thuật mới này mở ra thêm nhiều cơ hội cho các bệnh nhân không may bị bệnh u hốc mắt.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như nhãn khoa, chấn thương, chỉnh hình, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, nhi khoa… cũng đã được các bác sĩ của Việt Nam ứng dụng điều trị hiệu quả, góp phần điều trị nhiều loại bệnh của các chuyên ngành này...