Hà Nội

Làm chủ kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng

30-12-2016 14:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Bệnh lý mạch vành trước đây bệnh nhân phải điều trị tại Tp.HCM và các trung tâm lớn, bây giờ đã được điều trị thành công tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (BVĐK). Bệnh nhân mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp tại các địa phương trong tỉnh khi được phát hiện kịp thời, hoàn toàn có đủ “thời gian vàng” để chuyển lên cho chúng tôi can thiệp cấp cứu” –Thạc sĩ-BS Nguyễn Hải Cường, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp (BVĐK tỉnh).

Đặt stent mới biết bệnh

Nhiều người chủ quan với sức khỏe của mình, chờ khi có bệnh mới đi bác sĩ. Vì vậy, khi bệnh diễn biến nhanh, nhất là các bệnh lý về tim mạch, nhờ được cấp cứu, can thiệp kịp thời mới có thể tiếp tục sự sống. Đó là những bệnh nhân đã được can thiệp tim mạch kịp thời tại BVĐK Lâm Đồng.

Can thiệp tịm mạch cho bệnh nhân ở Lâm ĐồngCác bác sĩ Đơn vị tim mạch can thiệp BVĐK Lâm Đồng đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.

Hàng ngày làm vườn, ông Mỹ vẫn thấy sức khỏe bình thường, không có biểu hiện gì phải đi bác sĩ. Thế rồi, một ngày ông trở thành bệnh nhân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Mỹ, 65 tuổi, nhà ở đường Phan Đình Phùng, Tp.Đà Lạt đang nằm điều trị ở Khoa Nội Tim mạch –Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) cho biết: “Tôi tưởng mình không qua khỏi cơn đau tim hôm 23/12. Trưa đó, khoảng 11 giờ 30, đang đi ăn đám cưới thì tôi đột ngột thấy bên ngực trái đau dữ dội nên phải bỏ bữa tiệc, ráng về nhà. Về nhà vẫn không cầm cự nỗi cơn đau, khoảng đầu giờ chiều, tôi được người nhà đưa lên BVĐK tỉnh cấp cứu. Hôm sau, 24/12, tôi được BS Cường và ekip chụp mạch vành và đặt stent can thiệp chỗ tắc nghẽn động mạch vành kịp thời. Căn bệnh mà trước đó tôi không biết là mình mắc bệnh”.

Cụ Võ Sơn, 82 tuổi, ở Liên Nghĩa –Đức Trọng cũng vừa được các bác sĩ mổ đặt stent can thiệp động mạch vành hôm 23/12. Mặc dù, cao tuổi, nặng tai nhưng ánh mắt, nụ cười hiền hậu của cụ Sơn đã trở lại. Khi tôi hỏi về tình trạng sức khỏe, cụ luôn nhắc đi nhắc lại: “Khỏe rồi! đỡ nhiều rồi!”. Anh Võ Nghị, con trai của cụ cho biết: “Hôm 22/12, ba tôi khó thở, đau thắt ngực trái dữ dội nên em trai tôi đã đưa ông lên thẳng BVĐK tỉnh nhập viện. Đến đây thì mới biết ba tôi bị mắc bệnh hẹp động mạch vành cần phải chụp và đặt stent cấp cứu”.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân ở Lâm ĐồngThS-BS Nguyễn Hải Cường -Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK Lâm Đồng kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân Võ Sơn (82 tuổi) sau khi can thiệp phẫu thuật đặt stent hôm 23-12

Một điều dưỡng của Đơn vị Tim mạch can thiệp cho biết, tình trạng mắc các bệnh lý mạch vành hiện nay rất phổ biến và có những bệnh nhân trẻ tuổi cũng mắc bệnh lý này, trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhất được can thiệp đặt stent  tại bệnh viện là bệnh nhân nam người dân tộc 27 tuổi ở huyện Đơn Dương. BVĐK tỉnh đã can thiệp kịp thời, thành công cho 4 trường hợp du khách ngoại tỉnh đến Đà Lạt du lịch bị nhồi máu cơ tim cấp.

98% cấp cứu thành công các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp

Từ tháng 10/2015, Đơn vị Tim mạch can thiệp –BVĐK Lâm Đồng đi vào hoạt động theo đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành can thiệp tim mạch từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.

ThS-BS Nguyễn Hải Cường –Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh cho biết: Đội ngũ tại Đơn vị có 10 người (4 BS, 4 kỹ thuật viên, 2 điều dưỡng). Nhân lực được đào tạo tại Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Viện Tim Tp.HCM trong 2 năm. Khi Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh đi vào hoạt động, 6 tháng đầu nhờ các bác sĩ của 2 bệnh viện tuyến trên đến giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”. Từ đó đến nay, chúng tôi tự chủ trong thực hiện các kỹ thuật chuyên môn trong xử lý các bệnh: nhồi máu cơ tim cấp, những đau thắt ngực ổn định và không ổn định…(Trước khi xử lý có trao đổi với tuyến trên qua hệ thống hình ảnh Telemedicin).

Để đánh giá một cách khoa học về hiệu quả bước đầu của đề án bệnh viện vệ tinh về tim mạch can thiệp tại BVĐK tỉnh, nhóm các bác sĩ – điều dưỡng của Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh đã tiến hành đề tài nghiên cứu về “Kết quả chụp và can thiệp động mạch vành qua da tại BVĐK Lâm Đồng từ tháng 10/2015 -10/2016”.

can thiệp tim mạch ở Lâm ĐồngThs-BS Nguyễn Hải Cường -Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân sau can thiệp mạch vành

Kết quả số liệu cập nhật tính đến nay, đã có 400 ca có chỉ định chụp mạch vành, trong đó có 200 ca được can thiệp mạch vành (bệnh nhân lớn tuổi nhất 92 tuổi và trẻ nhất 27 tuổi). Cụ thể: can thiệp nhánh liên thất trước trái chiếm đa số (58,46%); can thiệp nhánh động mạch vành phải chiếm 38,25%; can thiệp qua đường động mạch đùi 54%; can thiệp qua đường động mạch quay 46%. Tỉ lệ thành công về mặt giải phẫu 99,4%; tỉ lệ thành công về mặt lâm sàng 98%. Không có ca tử vong trong can thiệp cấp cứu; tỉ lệ tử vong sau can thiệp chương trình 0,13%.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng ghi nhận tỉ lệ các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch là: 75% tăng huyết áp; hút thuốc lá 29,5%; rối loạn Lipid máu 16,9% và đái tháo đường 19,5%.

Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp của BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh viện vẫn tiếp tục mời các chuyên gia tuyến trên, kể cả chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản) để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật những trường hợp khó, như: bệnh nhân có nguy cơ cao, lớn tuổi, tổn thương mạch vành nhiều nhánh, tổn thương vôi hóa phức tạp, tắc mạch vành mạn tính… Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp cận, chẩn đoán và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh mạch vành trong thời gian nằm viện và sau xuất viện để sớm phục hồi sức khỏe. Chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với các Trung tâm y tế huyện –thành phố trong tỉnh nhằm hình thành mạng lưới tầm soát sớm các trường hợp mắc bệnh lý tim mạch để điều trị kịp thời, đúng bệnh.


Bài và ảnh: Diệu Hiền
Ý kiến của bạn